Làm giá, cuộc chơi nghiệt ngã

(ĐTCK) Cuối tuần trước, gần 20 chuyên viên phân tích, đầu tư trong Nam ngoài Bắc có dịp gặp nhau ở một sự kiện. Trong câu chuyện về thị trường năm 2019 và 2020, có những cái tên doanh nghiệp đình đám được nhắc tới, không chỉ bởi kinh doanh hiệu quả, mà còn bị kháo “có đội đứng sau”.
Làm giá, cuộc chơi nghiệt ngã

Không “tạo lập thị trường”, khó thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư

“Ðội đứng sau” đã trở thành thuật ngữ phổ biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt những năm qua và tới nay vẫn chưa hề giảm nhiệt.

Mới đây thôi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo xử phạt vi phạm hành chính 550 triệu đồng đối với ông Nguyễn Kim Dĩnh (số 6F3, đường Việt Bắc, Ðông Thịnh 9, Mỹ Phước, Long Xuyên, An Giang) do ông này đã sử dụng 8 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán ANV).

Trên trang web của Ủy ban Chứng khoán, có thể thấy xuất hiện khá thường xuyên các thông báo xử phạt dạng này. Số tiền phạt hơn 500 triệu đồng dường như không khiến các “lái tàu” e ngại.

Ðiểm chung ở các thông báo là sau khi tính toán kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của nhà đầu tư.

Có thực họ không đắc lợi từ việc thao túng giá chứng khoán? Sẽ không dễ trả lời câu hỏi này, một cán bộ Ủy ban Chứng khoán từng chia sẻ, ngay cả cơ quan chức năng cũng rất khó để đánh giá và tính toán nhà đầu tư có thu được lợi nhuận hay không.

Vì vậy, thị trường ngầm định rằng, trong các vụ việc thao túng, làm giá chứng khoán, kết luận chung chung thường thấy là nhà đầu tư không có lợi nhuận từ hành vi này.

Nhưng nếu không có lợi, tại sao các vụ việc có vẻ như không ít đi, tại sao có nhiều tấm gương nhãn tiền bị xử phạt số tiền lên tới hơn nửa tỷ đồng vẫn “liều mình như chẳng có”?

Giới phân tích đầu tư chứng khoán truyền tai nhau rằng, nhiều cổ phiếu không có yếu tố “tạo lập thị trường” sẽ khó có chuyện thu hút được mạnh mẽ nhà đầu tư, thanh khoản và giá trị giao dịch tăng.

Tuy nhiên, để tạo lập được thị trường, nhất định phải có sự hậu thuẫn từ cổ đông lớn, thường là ban lãnh đạo của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, ông chủ của Alphanam từng có lần tiết lộ rằng, ông ta cũng kiếm được từ phong trào tạo lập thị trường, tất nhiên phải đủ tỉnh táo và tuyệt đối không dính đến vi phạm quy định nào về pháp luật chứng khoán.

Còn ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðầu tư và thương mại TNG cho biết, ông nhận được nhiều lời đề nghị hỗ trợ tạo lập thị trường, nhưng đều từ chối để tập trung nguồn lực và tâm sức vào hoạt động sản xuất - kinh doanh lõi.

Theo quan niệm của vị chủ tịch này, yếu tố quan trọng nhất tác động đến giá cổ phiếu là hiệu quả thực của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại không đơn giản như vậy, trong số gần 1.000 cổ phiếu đang niêm yết, đăng ký giao dịch, chỉ có vài chục mã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ, đang khát vốn, đưa cổ phiếu lên sàn nhằm huy động vốn cho các dự án tới đây sẽ đầu tư, rất dễ trở thành “con mồi” của các đội tạo lập thị trường.

Công thức phổ biến là những lãnh đạo doanh nghiệp này đồng thời cũng là cổ đông lớn trong công ty sẽ phong tỏa cổ phiếu của mình để hạn chế lượng cổ phiếu lưu hành.

Công ty tạo lập thị trường sẽ tổ chức đội nhóm, giao dịch, đưa thông tin ra thị trường, thậm chí còn tham gia cả việc “xào nấu” báo cáo tài chính doanh nghiệp... với cam kết giá cổ phiếu sẽ đạt mức giá nào đó sau một thời gian nhất định.

“Chơi dao dễ có ngày đứt tay”

Không ít lãnh đạo doanh nghiệp đã chơi “dao hai lưỡi”, sử dụng đòn bẩy margin để đẩy giá cổ phiếu tăng, tạo thương hiệu, hình ảnh trên thị trường, nhằm tiếp cận nhà băng, nhà đầu tư hoặc các đối tác khác.

Giá cổ phiếu tăng trong trường hợp này không đến từ nền tảng của doanh nghiệp tốt hay thị trường chung tăng trưởng khiến các nhà đầu tư đại chúng mua vào.

Giao dịch chỉ giới hạn lòng vòng trong một số lượng nhà đầu tư nhỏ, mặc dù các giao dịch của họ có thể được nghiên cứu kỹ để không vi phạm quy định pháp luật chứng khoán.

Ðã có nhiều đội lái được cho là kiếm đậm, cũng có những lãnh đạo doanh nghiệp thành công với chiến lược đẩy giá này. Nhưng cũng có doanh nghiệp đang phải trả giá đắt cho lựa chọn của mình.

Khi cổ phiếu giảm giá, các công ty chứng khoán đồng loạt bán ra cổ phiếu cho vay ký quỹ theo cơ chế tự động, giá cổ phiếu sẽ tuột dốc không phanh.

Khi cổ phiếu lâm vào tình trạng quá bán, hoạt động doanh nghiệp cũng không có gì nổi bật, chắc chắn không có nhà đầu tư nào dám tham gia “bắt dao rơi”.

Giá cổ phiếu sụt giảm, có thể tạo ra cơn địa chấn ở những công ty chứng khoán khác, cắt margin và bán ra cổ phiếu, trong khi bản chất hoạt động doanh nghiệp không có biến động lớn.

Hệ lụy với doanh nghiệp khi cổ phiếu liên tục giảm giá là các đối tác, ngân hàng, trái chủ lập tức liên hệ và có thể áp dụng các biện pháp mạnh tay để có được sự an toàn.

Lúc này mới là cơn ác mộng thật sự của doanh nghiệp, vì “dòng máu” bị cắt hoặc trục trặc, lập tức doanh nghiệp ốm nặng, thậm chí là bị đánh gục.

Có những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cốt lõi và nhiều năm tích lũy đã sớm lụi tàn trên thị trường cả về thị giá cổ phiếu và hoạt động sản xuất - kinh doanh vì trót sa vào ma trận dụng đòn bẩy tài chính và thổi giá cổ phiếu.

Cũng đã có không ít thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giá trị hàng trăm tỷ đồng, bên mua vay tiền thanh toán cổ phần, sau đó sử dụng chính cổ phần mua được ký quỹ tại công ty chứng khoán, đẩy giá cổ phiếu lên để lấy tiền trở lại.

Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán lớn cho biết, chiêu thức này rất phổ biến trên thị trường. Sau M&A, giá cổ phiếu được đẩy lên gấp đôi, gấp ba, tiền vay từ công ty chứng khoán đủ để bên mua thanh toán tiền mua cổ phần.

Có nhiều nhà đầu tư lớn, bao gồm các chủ doanh nghiệp, sử dụng nguồn vốn vay từ các công ty chứng khoán cho phần cổ phiếu của chính mình.

Ðiều này khiến dư nợ cho vay tăng, nhưng lượng cho vay đến khách hàng cá nhân có giao dịch tạo ra sự sôi động cho thị trường thì hầu như không có.

Ðiều này là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao doanh thu từ phí môi giới của các công ty chứng khoán chỉ bằng một phần so với doanh thu từ dịch vụ tài chính cho vay ký quỹ. Báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán thể hiện khá rõ điều này.

Dư nợ margin tại các công ty chứng khoán được ước tính đạt gần 50.000 tỷ đồng vào cuối quý III/2019. Câu hỏi đặt ra là trên thị trường có bao nhiêu doanh nghiệp sử dụng bài tính margin và chứng khoán hóa cổ phiếu để làm đòn bẩy kích hoạt hoạt động doanh nghiệp?

Và nếu thị trường cứ lệch về đòn bẩy như trên, khả năng phát triển bền vững sẽ rất khó được đảm bảo và những cú sốc tăng giảm mạnh điểm số trên thị trường thời gian qua có thể được lý giải một phần từ thực tế này.

Thủy Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục