Nhúng chuyện làm giá, môi giới sẽ mất nghiệp

(ĐTCK) Khi vi phạm luật giao thông, bạn có thể bị thu giữ bằng lái, sau đó có thể nộp phạt để lấy bằng ra, hoặc thi lại để cấp bằng. Nhưng với lĩnh vực chứng khoán, người vi phạm nghiêm trọng có thể sẽ "mất nghiệp" do bị thu hồi chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn.
Nhúng chuyện làm giá, môi giới sẽ mất nghiệp

Từ câu chuyện thu hồi chứng chỉ môi giới của cựu nhân viên DAS...

Ngày 10/5/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Chu Trường Giang - một cựu nhân viên môi giới của Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) và quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề chứng khoán của vị này do hành vi thao túng chứng khoán.

Quá trình điều tra cho thấy, ông Chu Trường Giang đã sử dụng 43 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần VT Vạn Xuân (mã VAT). Cá nhân này bị phạt tiền 600 triệu đồng theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3 và Khoản 3, Điều 29 - Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được sửa đổi tại Khoản 1 và Khoản 36, Điều 1 - Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy, không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Chu Trường Giang.

Theo pháp luật chứng khoán hiện hành, việc thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán khi người hành nghề chứng khoán không còn đáp ứng điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề chứng khoán quy định tại Luật Chứng khoán.

Đã có nhiều trường hợp cá nhân đã bị xử phạt bởi hành vi thao túng chứng khoán, nhưng ông Chu Trường Giang là trường hợp đầu tiên bị thu hồi chứng chỉ hành nghề do hành vi này.

Trước đó, năm 2012, một cá nhân là ông Nguyễn Viết Xuân từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề do cá nhân này đã cùng với bà Phạm Thị Sương, nhân viên môi giới của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khác để bán.

... Đến việc "mất nghiệp" khi thao túng, trục lợi chứng khoán

Theo quy định tại Luật Chứng khoán, cá nhân bị thu hồi chứng chỉ hành nghề trong các trường hợp: Không còn đáp ứng được điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề; vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực theo quy định tại Điều 9 và khoản 2 Điều 97; hoặc không hành nghề trong 3 năm liên tục.

Trong đó, điểm đặc biệt lưu ý là người vi phạm các quy định tại Điều 9 Luật Chứng khoán về các hành vi bị cấm và Khoản 2, Điều 97 - Luật Chứng khoán về trách nhiệm người hành nghề chứng khoán sẽ không được cấp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Cụ thể, Điều 9 - Luật Chứng khoán quy định, người trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, công bố thông tin sai sự thật… gây ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ chứng khoán trên thị trường chứng khoán; các hành vi giao dịch, cung cấp thông tin nội bộ; thao túng hoặc kết hợp thao túng; cung cấp dịch vụ chưa cấp phép trên thị trường chứng khoán hoặc sử dụng tài khoản, tài sản khách hàng trái quy định… sẽ đều bị tịch thu vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề.

Một quy định khác có thể khiến nhiều người bị thu chứng chỉ hành nghề chứng khoán vĩnh viễn là tại Khoản 2 - Điều 97, bao gồm: Làm việc đồng thời cho từ 2 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trở lên; mở tài khoản, quản lý giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán mình không làm việc (trừ trường hợp công ty này không có nghiệp vụ môi giới); thực hiện vượt quá phạm vi uỷ quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nơi mình làm việc.

Hoàng Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục