Chuyển động mạnh mẽ của khu vực tư nhân
Kịch bản cho kinh tế Việt Nam bước vào năm 2016 rất nên được nhìn nhận từ chiều sâu nhất bắt nguồn từ những gốc rễ của nền kinh tế là khu vực các doanh nghiệp. Nhìn vào các thông tin truyền thông, mọi người dễ dàng thấy tràn ngập các phân tích bình luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại (FTA) khác với thông điệp đây là yếu tố mạnh nhất tác động đến thành bại của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. TPP có thể ví như cơn gió mạnh len lỏi vào đến từng khe nhỏ nhất từ tất cả các hộ gia đình, doanh nghiệp và Nhà nước.
Quan sát thông tin dồn dập, các bình luận về TPP vẫn chưa thể phản ảnh hết những chuyển động âm thầm mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp. Có quá nhiều cơ hội và thách thức đến từ TPP mà chỉ có các doanh nghiệp năng động, có tầm nhìn thật xa và rất quyết đoán mới có thể đoán định, đưa ra những quyết định táo bạo để khai thác tối đa các cơ hội do TPP mang lại. Các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất như dệt may bắt đầu hướng tới cải tiến công nghệ, tăng năng suất, giảm chi phí để hướng đến chiếm lĩnh thị trường thế giới.
"Một làn sóng dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nước ta là điều có thể dễ dàng dự báo được để khai thác các cơ hội mới mà TPP mang đến".
Cũng có doanh nghiệp bắt đầu nghiên cứu chuyển sang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng vốn trước đây không phải là thế mạnh, nhưng nay cơ hội lại mở ra một hướng đi mới để tận dụng các ưu đãi thuế từ các nước thành viên. Cũng có doanh nghiệp hướng đến đa dạng hóa kinh doanh theo một chiến lược thận trọng, chứ không dàn trải để giảm thiểu khả năng thua lỗ từ một ngành hàng nào đó bằng khoản lãi đến từ một ngành hàng khác.
Những nhà quản lý tài giỏi ở các doanh nghiệp Việt thấy được các cơ hội này thì không cớ gì các doanh nghiệp nước ngoài lại không thấy. Một làn sóng dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nước ta là điều có thể dễ dàng dự báo được để khai thác các cơ hội mới mà TPP mang đến. Nhưng đó chỉ mới là trước mắt, còn trong dài hạn sẽ là cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để giành lấy thị phần.
Những doanh nghiệp xưa nay không quen với tư duy năng động, không dám mạo hiểm để đưa ra các quyết định táo bạo, chắc chắn sẽ ngày càng tụt hậu và không sớm thì muộn sẽ rơi vào tình trạng phá sản.
Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước làn sóng hội nhập mạnh mẽ này. Khu vực DNNN hiện có quá đầy đủ những yếu tố bất lợi mà các đối thủ đến từ khu vực tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đang mong muốn họ ngày càng rơi sâu vào để dễ dàng loại bỏ và thậm chí thôn tính.
Khu vực DNNN nếu không có những quyết tâm chính trị mạnh mẽ để tiến hành những cải cách táo bạo, thậm chí không có tiền lệ, thậm chí phải tư nhân hóa, thì trước sau gì nhà nước cũng mất vốn. Năm 2016 nhà nước phải có những quyết định dứt khoát giữa các luồng quan điểm hoặc cổ phần hóa DNNN dần dần với một thái độ thận trọng vốn có hoặc cổ phần hóa táo bạo với mục tiêu chính là nâng cao năng lực của nền kinh tế.
Chọn lựa nào trong hai khả năng trên không dễ có câu trả lời thỏa đáng và thỏa mãn lợi ích của các bên, nhưng đã đến lúc nhà nước phải đặt ra mục tiêu nào là ưu tiên số một để đưa ra quyết tâm chính trị rõ ràng nhất. Trong bối cảnh hội nhập gõ cửa đến từng nhà, một quyết định ngập ngừng lúc này của Chính phủ sẽ là tín hiệu không tốt đối với nền kinh tế năm 2016 và những năm sau đó.
Thách thức trong việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường
Những nhận định về sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong tiến trình hội nhập, đặc biệt là việc tham gia vào TPP đã đến lúc cần đến sự cân bằng trong các quyết tâm chính trị của nhà nước và thực tế hiển nhiên từ thị trường và từ cuộc sống. Một mặt nhà nước mong muốn khu vực DNNN tiếp tục giữ vai trò chủ đạo để hướng đến những điều tốt đẹp mà thị trường vốn dĩ tham lam không thể đảm đương được như việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa kinh doanh, vừa làm nhiệm vụ xã hội.
Mặt khác, như đã phân tích ở phần trên, quá trình hội nhập và cạnh tranh khốc liệt khiến cho khu vực DNNN với tất cả những nhược điểm tự nhiên của mình sẽ ngày càng tụt hậu, phá sản và dễ dàng bị thôn tính. Vì vậy nếu nhà nước không tìm ra được điểm cân bằng trong các tranh luận mang tính ý thức hệ và thực tiễn của cuộc sống, mà vẫn tiếp tục khư khư bảo vệ quan điểm truyền thống, giáo điều thì cả nền kinh tế giống như một con tàu mất phương hướng cứ xoay vòng giữa sóng to biển lớn để rồi tự bị nhấn chìm.
GS-TS Trần Ngọc Thơ
Ngay cả những người cực đoan nhất ủng hộ trường phái kinh tế thị trường tự do vô điều kiện cũng phải thừa nhận nhất định vai trò can thiệp của nhà nước trong kinh tế thị trường. Câu hỏi cho vấn đề can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế nước ta không phải nằm ở việc can thiệp nhiều hay ít, vì nó vốn dĩ đã quá nhiều, đến mức nhìn đâu đâu cũng thấy can thiệp của nhà nước. Cách đặt vấn đề đúng là nhà nước phải thoát khỏi càng sớm càng tốt tầm ảnh hưởng can thiệp của mình vào các hoạt động của nền kinh tế.
Triết lý đầu tiên cần tuân thủ là nhà nước phải xây dựng một danh mục thật hẹp các công việc hiện nay mà thị trường không thể đảm đương. Sau đó tiếp tục rà soát xem trong số các công việc này liệu nhà nước đảm nhiệm là tối ưu hay để khu vực tư nhân tham gia, nhất là trong bối cảnh ngân sách đang ngày càng thâm hụt và nợ công đang có xu hướng đáng ngại. Những công trình tưởng chỉ có thể do nhà nước đầu tư như đường nông thôn hay các công trình mang tính văn hóa, tượng đài thì kinh nghiệm thế giới từ hàng trăm năm nay cho thấy vẫn có rất nhiều tổ chức hảo tâm và các hội đoàn quyên góp để xây dựng.
Ví dụ nhỏ về điều này là việc xây các trạm hải đăng trên biển ở Anh cách đây hàng trăm năm. Mọi người cứ ngỡ do hải đăng không thể thu phí được nên tư nhân không thể tham gia xây dựng. Nhưng đã có rất nhiều tổ chức xã hội, các thủy thủ và gia đình của những người tử nạn trên biển đã quyên góp tiền để xây dựng rất nhiều trạm hải đăng trên khắp cả nước và được vận hành rất hiệu quả. Kỳ vọng với triết lý này bộ máy quản lý của nhà nước, hệ thống DNNN sẽ trở nên gọn nhẹ để đưa tất cả công việc làm cho đất nước này cất cánh thuộc về khu vực kinh tế tư nhân đảm trách.
Thách thức trong việc tiếp tục kiên trì hơn nữa mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát
Trước hết, cần phải khẳng định những thành quả kinh tế trong các năm qua, nhất là trong năm 2015 cho thấy hướng đi đúng đắn của việc kiên trì theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp. Phải khẳng định chính kỳ vọng về mục tiêu lạm phát thấp liên tục đạt được trong 4 năm qua đã làm cho các doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn kinh doanh, đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào nền kinh tế.
Mặc dù lạm phát thấp có phần yếu tố khách quan do giá nguyên liệu thế giới giảm sâu và chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả, nhưng để hiểu được lạm phát và nhất là kỳ vọng lạm phát là điều không hề đơn giản. Có nhà kinh tế gọi đây là điều bí mật lớn nhất trong kinh tế học.
Đặt vấn đề như thế để thấy lạm phát trong năm 2016 có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào. Cần phải cảnh giác tối đa với các thái độ thỏa mãn xem lạm phát hiện nay là quá thấp nên cần phải tăng thêm lên chút đỉnh bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tín dụng và bắt đầu có thái độ nới lỏng đối với thị trường bất động sản núp dưới chiêu bài tung các gói hỗ trợ kích thích kinh tế cho người nghèo và người có thu nhập thấp.
Có một thông tin đáng chú ý từ những ẩn ý của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lạm phát thể hiện trong đợt tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm vừa qua. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ hiện vẫn còn thấp và chưa tiệm cận mục tiêu đặt ra là 2%. Nhưng vì sao Fed vẫn quyết định tăng lãi suất và tiếp tục công bố lộ trình tăng lãi suất cho đến tận 2018? Quan điểm các nhà kinh tế của Fed rất rõ ràng. Họ đã thể hiện điều này rất nhiều lần trong các hội thảo và trả lời giới truyền thông rằng, họ vẫn chưa hiểu hết về những bí mật của kỳ vọng lạm phát. Và để chặn đứng những kỳ vọng về lạm phát manh nha hình thành, cho dù lạm phát vẫn chưa đạt mục tiêu 2%, Fed buộc phải tăng lãi suất trước khi quá muộn.
Với một nền kinh tế mà dữ liệu để phân tích là rất rõ ràng và khá chính xác mà các nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ còn chưa hiểu được hết về lạm phát, còn Việt Nam thì sao?
Về yếu tố ngoại sinh, giá dầu thế giới thời gian tới vẫn còn là ẩn số có thể ẩn chứa nhiều cú sốc và còn nhiều bất ngờ khác khó lường về kinh tế toàn cầu. Còn về yếu tố nội sinh, nhiều vô kể những điều có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong năm 2016 và những năm sau về lạm phát. Rất nhiều câu hỏi luôn cần được đặt ra thường trực với thái độ nghiêm túc, khách quan và không nên chạy theo bệnh thành tích, nói cho có nói, chỉ mới dựa trên một vài luận cứ ít ỏi thậm chí không dựa trên cơ sở nào cả.
Chẳng hạn, cơ sở nào để khẳng định tăng trưởng tín dụng đã đi đúng địa chỉ khi chỉ mới dựa vào một dấu hiệu thiếu thuyết phục là kinh tế tăng trưởng tốt còn lạm phát vẫn được kiềm chế. Không thể lấy tăng trưởng tín dụng gắn với lạm phát thấp và cùng với đó là tăng trưởng kinh tế làm mối quan hệ nhân quả đơn giản như thế, nếu không có những nghiên cứu độc lập và khách quan. Vì tăng trưởng cao có thể đến từ một nguyên nhân khác ngoài tín dụng.
Chẳng hạn, chúng đến từ niềm tin về chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn và niềm tin về một sự hồi phục của kinh tế toàn cầu. Khi người dân và doanh nghiệp có niềm tin, họ sẽ tự bỏ vốn ra làm ăn và kinh doanh, thay vì trông chờ chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Và biết đâu phần lớn trong tăng trưởng tín dụng thời gian qua tích lũy lại đang nằm đâu đó trong bất động sản, chứng khoán và túi tiền của các nhóm lợi ích.
Để rồi đến một lúc nào đó sẽ châm ngòi cho sự nóng lên của bong bóng tài sản, tỷ giá và rồi kích thích bóng ma lạm phát quay trở lại. Nếu chúng ta chủ quan và chờ cho đến khi bà bán rau ngoài chợ tự động tăng giá vì bất kỳ lý do bâng quơ thì lúc đó đã quá muộn và không còn trở tay kịp. Nhìn lại quá khứ, chúng ta đã trả giá cho quá nhiều những bài học như thế.
Hiểu được điều này thật không hề đơn giản chút nào vì đã có những nhà làm chính sách và quan chức chính phủ có những tuyên bố đại loại như lạm phát trước mắt không làm chết ai nhưng thiếu tiền thì nền kinh tế lâm nguy. Lập luận như thế này để hỗ trợ cho luận điểm nhà nước vay nợ hay bơm tiền mạnh hơn nữa vào lưu thông để kích thích kinh tế phát triển hơn nữa.
Đây đích thị là những cái bẫy chính sách cần phải né tránh để kiên trì theo đuổi trong dài hạn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát cho những năm sắp đến. Trong dài hạn, niềm tin và ổn định vĩ mô mới là yếu tố dẫn đến tăng trưởng chứ đâu phải tiền.