Theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và dự báo, ba kịch bản này được xây dựng theo ba cấp độ tăng trưởng tương ứng, từ thấp, trung bình đến cao. Trong đó, kịch bản tăng trưởng trung bình được dự báo là kịch bản chủ đạo với nhiều khả năng xảy ra nhất.
Theo phân tích của TS. Đức Anh, ở kịch bản này, giả thiết nền tảng xây dựng dựa trên cơ sở dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với mức tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình 4%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình dự báo cho toàn giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,63%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 4,8-5%. Mức độ tăng trưởng này được duy trì ổn định trong cả 5 năm, trong điều kiện đầu tư khu vực Nhà nước được cải thiện hơn ở nhiều mặt: tốc độ, hiệu quả và vai trò điều tiết nền kinh tế, điều hành chính sách, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư (tốc độ tăng đầu tư trung bình giai đoạn này tăng 7%).
Với kịch bản tăng trưởng trung bình, dự báo tốc độ tăng xuất khẩu đạt 10%, trong khi tốc độ tăng nhập khẩu đạt 12,5%, cán cân thương mại vẫn chủ yếu là nhập siêu. Dự báo tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng đạt 6,74%, trong đó tiêu dùng tư nhân tăng tương ứng 6,7%, cơ cấu tiêu dùng tư nhân chiếm tỷ trọng chủ đạo với 91,92%, tiêu dùng Chính phủ chỉ chiếm 7,7%.
Trong điều kiện khả quan hơn, theo TS. Đức Anh, kịch bản tăng trưởng kinh tế cao được đưa ra với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn giai đoạn được dự đoán ở mức từ 7-7,02%, với chỉ số lạm phát tương ứng được kiểm soát ở mức 6,1%. Dự báo tốc độ tăng xuất khẩu đạt 14,68%, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 151,13 tỷ USD, trong khi tốc độ tăng nhập khẩu đạt 16,71%, tổng kim ngạch nhập khẩu dự báo ở mức xấp xỉ 156,5%, cán cân thương mại vẫn thiên về nhập siêu. Dự báo tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng đạt 7,29%, trong đó tiêu dùng tư nhân tăng tương ứng 7,27%.
Theo NCIF, trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng trong các lĩnh vực và cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục được chuyển dịch nhanh hơn do quá trình tái cơ cấu và thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
“Kịch bản tăng trưởng cao này ít khả năng xảy ra hơn, nhưng cũng có thể đạt được nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình, song tiến trình cải cách cũng như chuyển đổi nền kinh tế phải được diễn ra mạnh mẽ hơn. Những nguy cơ đe dọa nền kinh tế như nợ công hay rủi ro hệ thống tài chính (cụ thể là nợ xấu) được giải quyết triệt để và có những thành tích bước đầu. Với nền tảng tích cực này, không những nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng và ổn định cao hơn, mà còn có thể duy trì được sự phát triển bền vững, tạo tiền đề cho những giai đoạn kế hoạch 5 năm tiếp theo”, TS. Đức Anh cho biết.
Với kịch bản tăng trưởng kinh tế thấp, theo dự báo của Ban Phân tích và dự báo, tuy không nhiều nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển như mô hình kinh tế cũ, với những rủi ro như hệ thống tài chính và nợ công ngày một lớn, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dựa vào tăng quy mô vốn và không khống chế được nhập siêu.
Phân tích của TS. Đức Anh cho thấy, trong bối cảnh không mấy lạc quan này, nếu kết hợp thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải những biến cố khó lường. Ví dụ như, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể ở mức thấp dưới 6%, lạm phát có thể tăng cao trở lại ở mức trên 7% tùy vào mức độ rủi ro và hiệu lực điều hành tình huống của các chính sách.
Cũng theo NCIF, trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng trong các lĩnh vực và cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục được chuyển dịch nhanh hơn do quá trình tái cơ cấu và thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Theo đó, tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản tiếp tục giảm trong tổng GDP, ở mức 16,85% trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đạt mục tiêu chiến lược 2011-2020, tuy nhiên tốc độ tăng vẫn duy trì ở mức ổn định, từ 3-4%. Tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ tiếp tục tăng trong tổng GDP, trong đó dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu, có thể đạt 45%.
Tuy nhiên, theo TS. Đức Anh, tổng cầu có khả năng thanh toán còn ở mức thấp và chậm được khôi phục so với giai đoạn trước đó, khiến cho mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ không thể tạo bước đột phá. Tăng trưởng của dịch vụ lại chủ yếu từ các dịch vụ cấp thấp, trong khi dịch vụ cao cấp như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, y tế… tăng rất chậm.
Mặc dù vậy, với các chính sách cải thiện cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại được triển khai mạnh mẽ hơn, hoạt động doanh nghiệp có điểm sáng, khu vực dịch vụ có thể đạt tăng trưởng tốt hơn trong giai đoạn 2016-2020. Các dòng vốn tăng mạnh trở lại, đặc biệt là dòng vốn trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài…
Để hiện thực hóa được kịch bản kinh tế khả quan, TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao trong giai đoạn tới là phải vượt qua được cách nghĩ “năng lực quản lý đến đâu thì mở đến đó”, thay vào đó là tư duy “năng lực quản lý phải được xây dựng để phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của đất nước”.