Những thành tựu đạt được tạo tiền đề để nước ta bước vào thực hiện nhiện vụ năm 2016, cũng như Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 đạt được kết quả cao hơn, vững chắc hơn.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó 20 nước là những nền kinh tế lớn nhất thế giới, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, nước ta phải cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hết sức gay gắt. Dự báo, tình hình kinh tế thế giới thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường.
Tinh thần chung là Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, phát huy hơn nữa các kết quả đạt được, cũng như những kinh nghiệm tốt đã được đúc rút từ thực tiễn; ra sức khắc phục những hạn chế, biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016 và cả 5 năm 2016 - 2020, với mục tiêu cuối cùng là tất cả vì sự phát triển, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Cụ thể, tiếp tục đảm bảo và tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, không được chủ quan, thỏa mãn trước những kết quả đã đạt được.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, không ngừng hoàn thiện thể chế để một mặt quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu quả hơn, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân làm ăn, sinh sống, phát triển sản xuất - kinh doanh.
Cần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu ngân hàng và trái cơ cấu nông nghiệp. Tái cơ cấu đầu tư công phải gắn liền với bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia, bảo đảm đầu tư công hiệu quả hơn. Tái cơ cấu doanh nghiệp không chỉ ở cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, mà còn ở nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Quan tâm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm tăng tính minh bạch, chuyên nghiệp, giảm thời gian, công sức cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
(Trích phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, kết thúc này 29/12/2015.