Kiểm toán Việt trước sự ‘lấn sân’ của Big 4

(ĐTCK) Mới đây, tại ĐHCĐ 2014 của CTCP Dược Hậu Giang, cổ đông ngoại đã phủ quyết đề xuất của SCIC lựa chọn “một công ty kiểm toán lạ”, UHY, thay vì một công ty trong nhóm Big 4 như những năm trước.
Kiểm toán Việt trước sự ‘lấn sân’ của Big 4
Đây không phải là lần đầu cổ đông tạo sức ép với Ban điều hành trong việc lựa chọn công ty kiểm toán ngoại cũng như không phải lần đầu công ty kiểm toán nội thua ngay trên sân nhà.

Lép vế trên sân nhà

Kết quả cuối cùng, ĐHCĐ Dược Hậu Giang đã thống nhất ủy quyền cho HĐQT lựa chọn 1 trong 3 công ty, gồm Deloitte Việt Nam, KPMG Việt Nam và PwC Việt Nam thực hiện kiểm toán BCTC năm 2014 của DHG và các công ty con. Thực ra, UHY không phải là cái tên xa lạ gì trên thị trường kiểm toán. Theo số liệu thống kê gần nhất của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), UHY nằm trong Top 10 công ty kiểm toán có số lượng khách hàng là tổ chức niêm yết đông nhất, với 50 khách hàng.

Big 4 là cách gọi tắt của bốn hãng kiểm toán lớn trên thế giới, gồm Deloitte, KPMG, EY và PwC. “Tứ đại gia” của làng kiểm toán quốc tế đã có mặt tại Việt Nam ngay trong những ngày đầu thị trường kiểm toán độc lập Việt Nam được thành lập. Có sẵn thương hiệu mạnh, lại được thừa hưởng lượng khách hàng chân rết của hãng quốc tế, nên Big 4 hầu như đang “bao sân” kiểm toán khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đối với khu vực DN niêm yết, công ty đại chúng, tâm lý “tin dùng” dịch vụ kiểm toán ngoại của nhiều cổ đông đã giúp các công ty kiểm toán nước ngoài có lợi thế cạnh tranh so với khối DN trong nước, trong đó hầu hết là các DN có quy mô lớn nhất trên thị trường, các ngân hàng thương mại, tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Thậm chí, thời gian qua, thị trường đã chứng kiến hàng loạt DN niêm yết thay đổi công ty kiểm toán từ công ty kiểm toán nội địa sang DN trong nhóm Big 4 theo yêu cầu của cổ đông Nhà nước.

Thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho thấy, năm 2012, Big 4 đóng góp 2.142 tỷ đồng/3.800 tỷ đồng doanh thu toàn thị trường. Khoảng 140 công ty kiểm toán trong nước chỉ chiếm khoảng 40% doanh thu còn lại. Khoảng cách về doanh thu giữa các DN kiểm toán trong nước với công ty kiểm toán có vốn đầu tư nước ngoài càng rộng. Ngay “cánh chim đầu đàn” của nhóm DN nội là AASC, dù có số khách hàng đứng thứ hai toàn thị trường, song doanh thu cũng chỉ bằng ¼ doanh thu của một công ty trong nhóm Big 4.

Sáp nhập, hợp nhất để gia tăng sức cạnh tranh

Dẫu vậy, câu chuyện cạnh tranh trong nghề không phải là vấn đề mà cổ đông, nhà đầu tư và đơn vị được kiểm toán quan tâm nhiều. Điều họ quan tâm nhất chính là chất lượng của dịch vụ kiểm toán, cụ thể là độ tin cậy của báo cáo kiểm toán.

Theo kế toán trưởng của một DN, đồng thời đang là trưởng ban kiểm soát, phụ trách kiểm toán nội bộ cho một loạt công ty cổ phần, công ty đại chúng có vốn đầu tư của DN này, thì quá trình làm việc với kiểm toán viên của DN kiểm toán trong nước và nước ngoài cho thấy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của họ khá tương đồng.

“Dù kiểm toán viên có chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế cũng không thể áp dụng những chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, mà vẫn phải tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp trong nước vào cuộc kiểm toán”, vị kế toán trưởng giải thích.

Vị kế toán trưởng này thừa nhận, tính tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp của kiểm toán viên Big 4 tốt hơn, do hàng rào kiểm soát chất lượng dịch vụ của các DN này chặt chẽ hơn DN khối nội và ý kiến tư vấn cho DN về quản trị rủi ro cũng tốt hơn.

Tuy nhiên, không ít lần, thị trường cũng băn khoăn về chất lượng báo cáo kiểm toán  và báo cáo kiểm toán do DN kiểm toán ngoại thực hiện. Hồi đầu năm nay, một DN niêm yết có quy mô lớn công bố điều chỉnh lợi nhuận năm 2011 từ lỗ sang lãi nhẹ. Nội dung điều chỉnh này đã được sự chấp thuận của Kiểm toán Nhà nước và đơn vị kiểm toán cho DN năm đó. Nguyên nhân của sự điều chỉnh là thay đổi cách hạch toán khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính. Đáng chú ý, nhờ sự điều chỉnh này mà DN thoát án hủy niêm yết bắt buộc. Một chuyên gia trong lĩnh vực kế toán nhìn nhận: “Điều này ít nhiều làm giảm uy tín của DN kiểm toán trong mắt người trong nghề, bởi mục tiêu kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập khác nhau. Lẽ ra DN kiểm toán này phải có lập trường riêng, kiên định với chuẩn mực của hãng quốc tế”.

Với khối DN nội, để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nâng tầm thương hiệu, nhiều DN đã chọn hướng đi trở thành thành viên của mạng lưới kiểm toán quốc tế. Một số công ty kiểm toán chọn con đường hợp nhất, sáp nhập để gia tăng sức mạnh. Hồi tháng 4, Công ty Kiểm toán Grant Thorton (Việt Nam) và Công ty Kiểm toán và Tư vấn Nexia ACPA đã ký thỏa thuận sáp nhập. Nexia cũng là một DN kiểm toán tầm trung trên thị trường, với 120 nhân viên, hơn 350 khách hàng, còn Grand Thorton có hơn 80 nhân viên, 238 khách hàng. Công ty sau sáp nhập sẽ có tên gọi Grant Thorton Việt Nam. Thương vụ sáp nhập này được hai bên kỳ vọng sẽ giúp công ty kiểm toán nội “thừa hưởng những giá trị của một hãng kiểm toán quốc tế” và giúp công ty kiểm toán ngoại ở “chiếu dưới” với Big4 gia tăng tầm ảnh hưởng tại Việt Nam.

Trần Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục