1. Sai lệch doanh thu: Ghi nhận doanh thu ảo, hoặc ghi nhận doanh thu khi chưa đủ điều kiện hạch toán, áp dụng sai chuẩn mực kế toán.
2. Giá vốn hàng bán: ghi nhận không đầy đủ hoặc không phù hợp với doanh thu, không có phương pháp xác định rõ ràng, nhất quán là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai lệch giá vốn hàng bán.
3. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang: có thể bị để lại hoặc cao hơn so với thực tế, hoặc không có phương pháp xác định rõ ràng, nhất quán.
4. Chi phí trả trước: có thể bị sử dụng để gác lỗ, để ghi lại các khoản chi phí đáng lẽ phải ghi nhận vào kết quả kinh doanh trong kỳ (ví dụ chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp…)
5. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang: có thể bao gồm chi phí đầu tư cho các dự án không có thật, hoặc dự án không thể tiếp tục thực hiện.
6. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi: Có thể không được đánh giá và ghi nhận đầy đủ.
7. Tiền mặt: có thể có số dư rất lớn, bất thường so với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và không có thật.
8. Phải thu khác: có thể bao gồm các khoản tạm ứng cho các bên liên quan với giá trị lớn để phục vụ thực hiện các dự án, nhưng dự án không thể triển khai.
9. Chi phí lãi vay: có thể bị ghi nhận thiếu hoặc bị vốn hóa không đúng quy định.
10. Chi phí phải trả: có thể bị phản ánh thiếu, là hệ quả của chi việc ghi nhận giá vốn và chi phí lãi vay.
11. Tài sản và nợ phải trả ngắn/dài hạn: có thể bị phân loại không phù hợp, thường theo xu hướng phân loại các khoản có tính chất ngắn hạn sang dài hạn với mục đích làm đẹp các hệ số thanh toán khi BCTC phải nộp cho chủ nợ, ngân hàng…
12. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: có thể có những luồn tiền ảo hoặc bị đội số (ví dụ thu khác, chi khác từ hoạt động kinh doanh…)
Theo khuyến nghị của bà Thủy, sai sót, gian lận trong BCTC không phải là trường hợp cá biệt, và tồn tại trong cả những trường hợp BCTC đã được đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến “chấp thuận toàn bộ” trong Báo cáo kiểm toán. Để bảo vệ quyền lợi của mình, NĐT nên tự trang bị cho mình kiến thức nhất định về chế độ kế toán, BCTC và báo cáo kiểm toán.
Trước khi xem BCTC đã được kiểm toán, cổ đông cần chú ý xem xét đến ý kiến của kiểm toán viên về BCTC để đánh giá mức độ trung thực, hợp lý của BCTC đã được kiểm toán viên phát hiện. Trong trường hợp phát hiện các vấn đề nghi vấn, cổ đông có quyền yêu cầu kiểm toán viên và Ban giám đốc, Hội đồng quản trị doanh nghiệp giải trình đầy đủ để nắm bắt thông tin và ra quyết định chính xác.
Đối với trường hợp DN nhận góp vốn bằng tài sản, đặc biệt là sáp nhập, hợp nhất với doanh nghiệp khác, cổ đông cần xem xét BCTC của công ty sáp nhập, tình hình tài chính, tài sản, dự án và chứng thư thẩm định giá để xem xét việc nhận góp vốn, tỷ lệ hợp nhất, sáp nhập.
Ngoài các lỗi thường gặp trong gian lận BCTC nói trên, theo bà Thủy, khi xem xét BCTC một doanh nghiệp, NĐT nên chú ý đến các vấn đề như: khả năng hoạt động liên tục, các giao dịch lớn và các khoản tạm ứng, cho vay… để đánh giá chất lượng hoạt động của DN.
Khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp có thể được xem xét thông qua các dấu hiệu về tình hình tài chính, nhân sự… ví dụ về dấu hiệu tài chính cho thấy nguy cơ hoạt động không liên tục như: liên tục thua lỗ lớn, nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, âm luồng tiền từ hoạt động kinh doanh hoặc không có khản năng thanh toán nợ nợ đến hạn… Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bị thiếu thành phần chủ chốt mà không được thay thế, bổ sung; mất đi thị trường lớn hoặc mất giấy phép bản quyền, nhà cung cấp lớn… hay trong một số trường hợp doanh nghiệp đang bị kiện, nếu thua kiện có thể bị mất khả năng hoạt động.