Không ít doanh nghiệp không chịu nổi sức ép hội nhập

Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời. Từ nay đến mốc thời gian đó, Việt Nam sẽ tham gia, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trước cơ hội đó, Việt Nam cần làm gì là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân PGS-TS Trần Hoàng Ngân

“Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Theo ông, nước ta cần phải làm gì để “chủ động”, “tích cực” trong hội nhập kinh tế quốc tế?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế và ngày 13/5/2014, Chính phủ ban hành Chương trình hành động để triển khai công tác hội nhập quốc tế toàn diện trong thời gian tới.

Thực hiện nghị quyết và Chương trình hành động, Chính phủ đang chủ động đàm phán FTA với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ và tích cực xây dựng AEC, nhằm khai thác tối đa các ưu đãi thương mại tự do mang lại với tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thực hiện chủ trương này, trong nhiều năm qua, Quốc hội, Chính phủ rất quyết liệt trong hoàn thiện thể chế (xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật), đặt thể chế của chúng ta trong môi trường hội nhập và phải có nghĩa vụ thực hiện cam kết trong các FTA đã ký và sẽ ký theo đúng tinh thần là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm.

Hội nhập toàn diện về kinh tế như “nước đã đến chân”, nhưng trên thực tế dường như doanh nghiệp (DN) vẫn khá mơ hồ về việc này, thưa ông?

Với số vốn đăng ký thành lập bình quân khoảng 6 tỷ đồng/DN (chưa đến 300.000 USD/DN), tuyệt đại đa số DN Việt Nam là siêu nhỏ, chưa thể vươn tầm ra đến khu vực, nên từ trước đến nay, họ ít quan tâm tới hội nhập. Tuy nhiên, khi đã hội nhập sâu rộng gần như toàn diện, đặc biệt khi AEC đi vào vận hành kể từ cuối năm 2015, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa 10 nước trong khu vực sẽ được cắt giảm dần về 0%, nếu không chủ động, vẫn còn mơ hồ về hội nhập kinh tế, thì ngay cả thị trường trong nước cũng khó giữ nổi.

Và cái giá phải trả cho sự mơ hồ trong hội nhập là gì?

Hơn 7 năm qua kể từ khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế phát triển ổn định, vững chắc hơn, nhưng nhiều DN, thậm chí lãnh đạo ở nhiều địa phương cũng không biết được Việt Nam đang hội nhập kinh tế ở những lĩnh vực nào, cần phải làm gì để giữ vững thị trường trước sức ép cắt giảm thuế quan; các FTA đã ký kết đem lại những cơ hội gì và phải giải quyết những thách thức gì… Hậu quả là, có không ít DN, kể cả DN có quy mô lớn, có thương hiệu, có thị trường đã suy yếu trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Vài năm gần đây, mỗi năm có đến 50.000-60.000 DN ngừng hoạt động, do nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, có nguyên nhân sâu xa là một bộ phận không nhỏ DN không chịu nổi sức ép của hội nhập. Đây là cái giá phải trả khi hội nhập. Trả giá rồi thì phải rút ra bài học kinh nghiệm, đó là phải chủ động, tích cực trong hội nhập, muốn chủ động thì phải có đầy đủ thông tin cập nhật về hội nhập.

Có nghĩa là, cùng với hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, để hội nhập thành công thì phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền?

Chính phủ đã biết được thế yếu của cộng đồng DN là có ít thông tin về hội nhập. Chính vì vậy, Chính phủ đã đề cập việc đầu tiên trong Chương trình hành động là phải tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi và sâu rộng các yêu cầu hội nhập quốc tế; cơ hội và thách thức, phương hướng và nhiệm vụ trọng yếu của từng ngành, từng lĩnh vực đến tận doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thông tin đại chúng phải đẩy mạnh nâng cao nhận thức của DN và các hiệp hội ngành, nghề về cơ hội và thách thức trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó có vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư.

Tuyên truyền, phổ biến chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải có các tổ chức hỗ trợ một cách thiết thực thì DN mới có thể “chủ động”, “tích cực” trong hội nhập kinh tế, thưa ông?

Hiện tại, tỉnh nào cũng có trung tâm xúc tiến đầu tư thực hiện nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch, danh mục dự án kêu gọi đầu tư; làm đầu mối tiến hành hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư; cung cấp thông tin về môi trường, chính sách pháp luật đầu tư; nghiên cứu thị trường, đối tác, địa điểm đầu tư; tư vấn chính sách, chiến lược kinh doanh… của địa phương. Nhưng dường như các trung tâm xúc tiến đầu tư đều thích “hướng ngoại”, quan tâm, “săn đón” các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn nhiệm vụ hỗ trợ DN trong nước, đặc biệt DN mới gia nhập thị trường thì làm rất kém.

Để giúp DN không thua khi phải cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập sâu rộng, theo tôi, các trung tâm xúc tiến đầu tư phải có trách nhiệm hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN mới thành lập trong việc đào tạo nhân lực, kỹ năng quản lý, quản trị, tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin về thị trường cũng như môi trường đầu tư, thủ tục hành chính. Đặc biệt, các trung tâm này phải hỗ trợ DN cả tiếp cận vốn thông qua việc phối hợp chặt chẽ với Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa ở địa phương và các quỹ tài chính khác dành cho khu vực DN này.     

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục