Doanh nghiệp phía Nam chịu sức ép từ hội nhập AEC

Kết quả phỏng vấn sâu lãnh đạo các doanh nghiệp về những tác động và các cơ hội, thách thức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 do nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện cho thấy, việc thành lập AEC (dự kiến là cuối năm 2015) sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi thuế suất nội khối sẽ giảm xuống 0%.
Doanh nghiệp phía Nam chịu sức ép từ hội nhập AEC

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Việt Khôi, Phó trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế, Trường đại học Kinh tế, thành viên đoàn khảo sát nhận xét, đa số doanh nghiệp vẫn tỏ ra thờ ơ với hội nhập AEC. 

Nói về những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi AEC hình thành, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, doanh nghiệp tại các nước ASEAN khác có lợi thế hơn so với doanh nghiệp Việt Nam, do họ có cơ chế thị trường đi trước Việt Nam. 

Mặt khác, theo ông Mười, năng suất trong ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng của Việt Nam còn khá thấp, dẫn tới giá thành đầu ra cao hơn các nước khác trong khu vực. Do vậy, nếu hội nhập AEC, chưa chắc doanh nghiệp ngành nông nghiệp đã tận dụng được nhiều cơ hội. Ngay cả Vissan hiện cũng chưa xuất khẩu được nhiều sản phẩm qua thị trường ASEAN.

Trong khi đó, sự cạnh tranh tại thị trường nội địa do AEC mang lại khá gay gắt. Ông  Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM tỏ ra rất lo lắng với chuyện này. Thị trường dịch vụ công ích (vệ sinh công cộng, xử lý rác thải…) của Công ty chủ yếu là địa bàn TP.HCM, nhưng hiện tại, dù chưa chính thức hội nhập AEC, Công ty đã phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp ASEAN khác.

Cũng theo ông Nhựt, TP.HCM vốn đi trước các tỉnh, thành phố khác về phát triển kinh tế, nên sự cạnh tranh cũng đến sớm hơn. Do vậy, để chuẩn bị cho sự cạnh tranh sắp tới, Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM đã đề ra chiến lược đến năm 2020, sẽ đầu tư một nhà máy xứ lý rác phục vụ phát điện, toàn bộ thiết bị máy móc sẽ được nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ.

Ông Đặng Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Nhôm nhựa Kim Hằng cho biết, Công ty đã xuất khẩu các sản phẩm đồ gia dụng qua hai thị trường ASEAN là Malaysia và Campuchia, với mức tăng trưởng tại các thị trường này là 20%/năm. Vì vậy, khi hội nhập thị trường chung ASEAN, mức tăng trưởng sẽ cao hơn, vì thị trường rộng lớn hơn, song hàng hóa từ các nước lân cận như Malaysia, Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam cạnh tranh với hàng hóa trong nước.

Vì vậy, theo ông Hùng, để bắt kịp xu thế cạnh tranh ấy, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp phải bắt tay vào việc nghiên cứu sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng những nước ASEAN. Chẳng hạn, Kim Hằng đang nghiên cứu sản phẩm bếp từ với tính năng cao hơn cung cấp cho thị trường Malaysia có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam.

Thanh Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục