Không cứng nhắc trong huy động trái phiếu chính phủ

Năm 2019, Bộ Tài chính giảm khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) so với kế hoạch. Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước), việc phát hành TPCP phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiến độ thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, tồn dư ngân quỹ, tình hình thị trường… chứ không cứng nhắc theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước). Ông Nguyễn Văn Quang, Phó cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước).

Ông cho biết đánh giá chung về thị trường TPCP năm 2019?

Quy mô thị trường TPCP năm 2019 bằng khoảng 25,6% GDP, gấp 12 lần năm 2009; khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên gấp 24 lần năm 2009. Đáng lưu ý là thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 27%/năm trong thập kỷ vừa qua là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN+3.

Năm 2019, thị trường TPCP tiếp tục có sự cải thiện tích cực theo hướng kéo dài kỳ hạn phát hành trong khi lãi suất huy động vốn lại giảm, góp phần tái cơ cấu danh mục nợ chính phủ cả về kỳ hạn và chi phí vay vốn. Cụ thể, toàn bộ TPCP phát hành năm 2019 có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (tương tự năm 2018), trong đó trên 93% có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân là 13,47 năm, tăng 0,78 năm so với năm 2018 và tăng 4,76 năm so với năm 2016. Việc huy động TPCP kỳ hạn dài góp phần kéo dài kỳ hạn danh mục TPCP, đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ chính phủ. Trong khi kỳ hạn phát hành tăng thì lãi suất huy động giảm mạnh, từ mức 12,01%/năm ở thời điểm năm 2011, đến năm 2019 chỉ còn 4,51%/năm.

Với lãi suất huy động 4,51%/năm, năm 2019, Việt Nam là nước phải trả chi phí thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi thị trường tài chính năm vừa qua không có nhiều thuận lợi. Vì sao vậy, thưa ông?

Lãi suất TPCP của Việt Nam hiện nay thấp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, thấp hơn lãi suất TPCP của các nước có cùng hệ số tín nhiệm trong khu vực như Indonesia, Philippines, Ấn Độ... Với mức lãi suất huy động bình quân 4,51%/năm, việc huy động vốn bằng đồng nội tệ thông qua phát hành TPCP năm 2019 đã tiết kiệm chi phí trả lãi vay cho ngân sách nhà nước khoảng 458 tỷ đồng so với năm 2018. Còn so với năm 2015, tiết kiệm được 4.236 tỷ đồng.

Việt Nam huy động được TPCP với lãi suất thấp hơn nhiều nước có cùng hệ số tín nhiệm là vì chúng ta tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tốc độ kinh tế tăng trưởng ở mức cao hàng đầu thế giới, trong khi nhiều nước suy giảm. Dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục, vào khoảng 80 tỷ USD, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản ổn định, nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Mới đây, Moody’s - một trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia uy tín trên thế giới đã điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của Việt Nam, theo ông có ảnh hưởng đến phát hành TPCP năm 2020?

Moody’s điều chỉnh giảm triển vọng tín nhiệm của Việt Nam không ảnh hưởng gì đến việc phát hành TPCP vì tổ chức này vẫn giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ, cũng như các khoản vay không được bảo đảm.

Hơn nữa, vào tháng 6/2019, Standard & Poor’s tuyên bố nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định” -  đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, Standard & Poor’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Còn trước đó, vào tháng 5/2019, Fitch Ratings nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Như vậy, trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín nhất trên thế giới, thì 2 tổ chức nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Nhưng quan trọng hơn cả là các định chế tài chính hàng đầu như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế… đều có nhận định về nền kinh tế Việt Nam năm 2020 rất khả quan, nên việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm không ảnh hưởng gì đến huy động TPCP năm 2020 và cả những năm tiếp theo.

Có điều kiện như vậy sao không đẩy mạnh huy động vốn, mà còn giảm khối lượng huy động so với kế hoạch, thưa ông?

Năm 2019, Bộ Tài chính giao Kho bạc Nhà nước phát hành 333.000 tỷ đồng TPCP. Sau một thời gian, đánh giá tình hình khả năng ngân quỹ và thấy rằng có thể sử dụng 26.200 tỷ đồng nguồn tạm ứng ngân quỹ nhà nước nên chúng tôi lên kế hoạch phát hành 306.800 tỷ đồng. Năm 2019, tiến độ thu ngân sách nhà nước hàng tháng đều vượt tiến độ, trong khi chi thường xuyên và chi đầu tư công đều thấp hơn tiến độ và thấp hơn cùng kỳ năm 2018, vì vậy, vào quý IV/2019, chúng tôi đã kiến nghị tiếp tục giảm khối lượng phát hành TPCP xuống còn 249.400 tỷ đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên kho bạc giảm khối lượng huy động vốn TPCP, mà đã từng thực hiện nhiều lần vì điều hành ngân sách nhà nước không phải đi vay nợ cứng nhắc theo kế hoạch, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình thu - chi ngân sách, thị trường, nhu cầu vốn, nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi, trả nợ gốc đến hạn… chứ không phải cứ vay dễ, vay rẻ là vay, sẽ dẫn tới lãng phí nguồn lực tài chính công vì dù có đi vay rẻ thì vẫn phải trả lãi. Năm 2020, chúng tôi dự kiến khối lượng phát hành TPCP tương đương năm 2020, cỡ vào khoảng 307.000 tỷ đồng và tùy theo tình hình thực tế để điều chỉnh linh hoạt.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục