Chuyển mình mạnh mẽ
Phát biểu tại toạ đàm “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới”, do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đánh giá cao những kết quả khối doanh nghiệp nhà nước đã đạt được cũng như vai trò của khu vực này trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, dù chỉ chiếm số lượng nhỏ, nhưng khối doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của đất nước, có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp nhà nước không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo.
Kể từ năm 2018, 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã chuyển về trực thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện Uỷ ban nắm giữ hơn 60% vốn của tất cả doanh nghiệp nhà nước. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế như năng lượng, hạ tầng viễn thông, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, nguyên vật liệu…
Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đến nay, Ủy ban đã báo cáo, đề xuất và được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với 8/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện. Ủy ban đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý 4 dự án còn lại, là Dự án Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQ, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - Tisco 2 và Dự án khai thác tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy Gang thép Lào Cai và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung - VTM.
Thông tin được ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chia sẻ, sau 5 năm chuyển về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty đã có những thay đổi đáng kể: Tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ hơn 1,05 triệu tỷ đồng lên hơn 1,15 triệu tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ hơn 2,35 triệu tỷ đồng lên 2,49 triệu tỷ đồng; kết quả sản xuất - kinh doanh hàng năm có sự tăng trưởng. Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban đạt 1.871.050 tỷ đồng, tăng 0,6% so với năm 2018.
Một trong những điểm sáng nổi bật về sản xuất - kinh doanh của nhóm doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem).
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó tổng giám đốc Vinachem cho biết, năm 2022, giá trị sản xuất/doanh thu của Vinachem lần đầu vượt 60.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 6.200 tỷ đồng. Đặc biệt, lần đầu tiên, Tập đoàn ghi nhận giá trị xuất khẩu vượt 500 triệu USD. Vinachem hiện có 2 vạn cán bộ lao động, tăng 16% so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu (năm 2018).
“Với 4 dự án từng thuộc danh mục 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém của ngành công thương, là Dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai…, Tập đoàn đã bám sát chỉ đạo từ Uỷ ban Quản lý vốn, rà soát các khâu, hợp lý hoá quy trình, ứng dụng công nghệ, mở rộng thị trường và đến nay, các dự án đều có tín hiệu khởi sắc… Năm 2022, các đơn vị đều có lãi, 3 dự án đã đưa ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, thua lỗ”, ông Tú chia sẻ.
Trong khi đó, tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), lợi nhuận ghi nhận tốc độ tăng trưởng 152% trong năm qua. Theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIMC, nền tảng hoạt động của Tổng công ty dựa trên 3 trụ cột là khai thác 16 cảng biển, khai thác đội tàu tương đương 25% sức vận tải quốc gia và khai thác hệ thống logistic. Doanh thu của VIMC trong những năm qua chỉ tăng khoảng 4 - 5% nhưng lợi nhuận tăng 152%.
Đáng chú ý, năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đạt doanh thu kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.309 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 227.990 tỷ đồng.
Giai đoạn 2018 - 2023, 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt hơn 769.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, tiến độ xử lý các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ ngành công thương đạt những kết quả tích cực.
“Cởi trói” để doanh nghiệp nhà nước phát huy sức mạnh
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chia sẻ, sau 5 năm đi vào hoạt động, Ủy ban đã khẳng định mô hình và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý vốn Nhà nước một cách minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi chuyển về Ủy ban quản lý, 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất - kinh doanh liên tục, ổn định; thể hiện được vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Tuy vậy, ông Hùng cũng thừa nhận, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý vốn Nhà nước, trong mô hình hoạt động của Ủy ban cũng như trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty.
Điều này đang ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều dự án đầu tư, sản xuất - kinh doanh, trong đó có những dự án trọng điểm, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trong các cuộc làm việc gần đây của thường trực Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sự chậm trễ này cũng đã được nhắc tới.
Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của nhóm 19 “sếu đầu đàn” được ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ ra.
Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được giao; phân bổ nguồn vốn đầu tư chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi, có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế từng doanh nghiệp; hoạt động đầu tư chủ yếu vẫn mang tính đơn lẻ; năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu ở nhiều khâu.
Một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản…
Theo đó, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị hai nhóm giải pháp: Thứ nhất, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban; giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho Ủy ban phù hợp hơn.
Nhiệm vụ chính của cơ quan này nên là định hướng xây dựng và phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển; bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Thứ hai, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Về nguyên tắc, không được can thiệp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.
Một giải pháp được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem là căn bản, lâu dài là phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật số 69/2014/QH13, làm cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp và Ủy ban…
Tọa đàm “Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9. Sự kiện có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo các các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm, giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát huy hết các nguồn lực là tăng cường tính minh bạch, giám sát và linh hoạt. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước có thể linh hoạt quyết định đầu tư, điều chuyển từ nơi thừa ở tập đoàn này sang tập đoàn khác.
Theo ông Thành, hoạt động quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên tái cấu trúc theo mô hình quản lý quỹ, theo nguyên tắc Ủy ban là nhà đầu tư. Trong đó, có nhiều quỹ đầu tư hoạt động theo thị trường, theo nhiệm vụ chính trị, quỹ đầu tư vào các lĩnh vực mới... và có sự phân cấp, quản lý phù hợp với mỗi loại hình quỹ nhằm bảo đảm tính linh hoạt để có thể đầu tư hiệu quả.
Nhấn mạnh yêu cầu phát triển các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của cả nước, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kiến nghị, cần lựa chọn các doanh nghiệp có đủ tiềm lực, từ đó có cơ chế thí điểm cho doanh nghiệp tăng cường tính tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm và phát huy tối đa hiệu quả, nguồn lực nắm giữ, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp nhà nước cần phải hiện diện với một năng lực mới, diện mạo mới, thay vì chỉ đơn thuần trở thành một công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Muốn vậy, cần đưa ra những giải pháp có tính đột phá để cởi trói cho doanh nghiệp nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước được tự chủ, sáng tạo, phát triển trong một môi trường kiến tạo”, ông Trung nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, trong thời gian tới, cần đánh giá lại vị thế, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam; đổi mới phương thức quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, đặc biệt là giải pháp nâng cao vai trò của Uỷ ban.
Ngoài ra, cần đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, từ đó xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ.
Những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để từ đó tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các quyết sách khơi thông nguồn lực, tạo đột phá, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” và “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
“Doanh nghiệp nhà nước với vai trò tiên phong, dẫn dắt trong bối cảnh mới với phương châm “Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá”. Doanh nghiệp nhà nước cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác. Các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Chọn 4 nhóm doanh nghiệp quy mô lớn làm động lực dẫn dắt
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xây dựng “Đề án Doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn”. Theo đó, Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến, 4 ngành được lựa chọn bao gồm: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tài chính - ngân hàng và kết cấu hạ tầng.
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí như có tiềm lực về tài chính (tổng tài sản trên 20.000 tỷ đồng, ROE > 6%); có thương hiệu tại thị trường trong nước và có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài; có hệ thống quản trị tốt; Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc đã cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.
Đề án đề xuất thực hiện một số chính sách thí điểm trong khoảng thời gian 5 năm kể từ khi ban hành, sau đó tổng kết, đánh giá và điều chỉnh chính sách cho phù hợp để thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt.
Cần giao thực quyền cho “siêu Uỷ ban”
Ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. |
Hiện Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được giao làm đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất - kinh doanh trong 16 ngành kinh tế - kỹ thuật, nắm giữ tổng tài sản 2,491 triệu tỷ đồng (số liệu năm 2022), chiếm hơn 60% tổng tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước.
Nắm giữ nguồn lực lớn như vậy nhưng 5 năm qua hoạt động của Uỷ ban vẫn tồn tại một số khó khăn hạn chế, trong đó có nguyên nhân quan trọng là mô hình mới, đặc thù và chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Ủy ban hiện có mô hình, có trách nhiệm nặng nề nhưng lại không có “tiếng nói”.
Cụ thể, Ủy ban chỉ được quyền quản lý doanh nghiệp, không được đưa ra cơ chế, chính sách pháp luật. Điều này dẫn đến việc khi Ủy ban muốn sửa một điều lệ của doanh nghiệp, nghị định của Chính phủ liên quan thì phải trình sang bộ chủ quản, khiến tiếng nói bị hạn chế rất nhiều. Chủ tịch Ủy ban cũng không phải thành viên Chính phủ, chỉ là cơ quan thuộc Chính phủ nên khi đưa sang các bộ, có được tiếp thu hay không là quyền của các bộ. Thậm chí, có dự án SCIC (công ty thành viên của Uỷ ban) xin ý kiến các bộ, ngành 2 năm trời nhưng không được trả lời.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần tiếp tục được hoàn thiện mô hình theo hướng được giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm phù hợp hơn. Theo đó, cần sửa các quy định hiện hành để tăng quyền thực tế cho Ủy ban, Uỷ ban được phân cấp, phân quyền hơn nữa, thậm chí được quyền điều phối nguồn vốn của các doanh nghiệp. Thực tế, có những doanh nghiệp dư thừa nguồn vốn nhưng không sử dụng được trong khi có doanh nghiệp thiếu vốn nhưng luật không cho phép điều phối vốn giữa các đơn vị.
Doanh nghiệp nhà nước cần thể hiện tính dẫn dắt
Ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). |
Các doanh nghiệp nhà nước đã được đặt vào thị trường hội nhập, chấp nhận cạnh tranh và được hỗ trợ bởi nhiều giải pháp, từ đó một lượng doanh nghiệp nhà nước đang nắm vai trò chi phối ở các lĩnh vực quan trọng.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn nhìn thấy thực tế là vai trò của doanh nghiệp nhà nước chưa được như mong đợi, nhất là với kỳ vọng doanh nghiệp nhà nước phải phát huy được vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp còn lại và dẫn dắt nền kinh tế.
Muốn tạo bước ngoặt phát triển cho Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước phải thể hiện được tính dẫn dắt. Ví dụ, dẫn dắt về công nghệ thì doanh nghiệp nhà nước phải đi đầu trong công nghệ 4.0, năng lượng xanh, công nghệ lõi để thích ứng với thị trường…
Cái khó nằm ở những xung đột lợi ích, chuyện mà ngay cả các công ty cổ phần, công ty tư nhân cũng vướng phải. Doanh nghiệp đặt vào cơ chế thị trường sẽ ưu tiên lợi nhuận, cạnh tranh, nhưng với doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước thì lại muốn vì lợi ích chung…
Làm thế nào để giảm bớt điều này? Có thể dựa trên một số nguyên tắc, mà đầu tiên là minh bạch (theo thông lệ OECD chẳng hạn) và thứ hai là giám sát.
Chấp nhận khó khăn và có đối sách phù hợp
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIMC. |
Các dự án mà chúng tôi triển khai, dù ngắn hạn hay dài hạn, đều có dấu ấn hỗ trợ của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, nhất là trong những giai đoạn đặc biệt như Covid-19. Ngoài việc đồng hành tháo gỡ khó khăn liên quan tới vốn vay, hay triển khai dự án suôn sẻ hơn, Uỷ ban còn hỗ trợ dự án tái cơ cấu tài chính và sản xuất - kinh doanh tại một trong những cảng liên doanh quan trọng của Tổng công ty là SP-PSA.
Hàng hải là ngành có tính chất chu kỳ, chúng ta phải chấp nhận thực tế như vậy và có đối sách phù hợp. Tại thời điểm này, nhu cầu hàng hoá của người tiêu dùng đang không cao, chúng tôi đang nỗ lực để tìm ra giải pháp phù hợp phát triển 3 trụ cột chính: Thứ nhất, phát triển, nâng cấp hệ thống cảng biển khu vực Lạch Huyện
(Hải Phòng), chuyển dịch cảng Đà Nẵng sang khu vực cảng Liên Chiểu và dự án trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, TP.HCM.
Thứ hai, chúng tôi cố gắng phát triển hệ thống vận tải biển với gam tàu “xanh” theo xu hướng phát triển bền vững hiện nay.
Thứ ba, hệ thống logistics tích hợp trên nền tảng số, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ khép kín chuỗi cung ứng tạo ra giá trị gia tăng, cung cấp nhiều dịch vụ cho khách hàng.