Cơ hội mới
Số liệu thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, có 43 công ty quản lý quỹ trong nước đang hoạt động, nhưng số lượng quỹ đăng ký chỉ khoảng 30 quỹ, và hơn một nửa trong đó là quỹ mở, với quy mô tài sản khoảng 100 tỷ đồng. So sánh với số liệu công bố cách đây vài năm, con số này đã có cải thiện đáng kể, khi phần lớn các quỹ thời điểm đó có quy mô chỉ từ 50-70 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, sự cải thiện này chưa hẳn là quá đáng mừng, bởi theo ước tính của một số chuyên gia trong ngành, quỹ mở cần đạt quy mô tài sản tối thiểu 200 tỷ đồng mới có thể bù đắp chi phí hoạt động và có lãi.
Điều này cho thấy, các quỹ mở mới chỉ bớt “khó”, chứ chưa thể coi là thoát khỏi sự “ngặt nghèo”. Trong nhiều cuộc thảo luận về phát triển TTCK năm gần đây, một trong lý do khiến thị trường lên xuống thất thường được chỉ ra là tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư tổ chức ở TTCK Việt Nam quá thấp, chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là nhà đầu tư cá nhân.
Trong khi đó, ở các TTCK phát triển, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư tổ chức luôn vượt trội so với nhà đầu tư cá nhân. Chẳng hạn, tại TTCK Mỹ, lượng vốn do nhà đầu tư tổ chức quản lý thường chiếm tới 70% vốn hóa toàn thị trường. Chưa kể, trong 30% còn lại, phần lớn là sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại như Dragon Capital, VinaCapital, Mekong Capital…, hay một số quỹ từ các tổ chức tài chính quốc tế, còn số quỹ nội có tầm vóc và ảnh hưởng là khá hiếm.
Tuy vậy, 3 năm trở lại đây, ngành quản lý quỹ Việt Nam đã gây được những ấn tượng nhất định, thể hiện ở những điểm: loại hình đầu tư dần đa dạng hơn, với đủ các loại hình của quỹ đầu tư, từ quỹ đóng, quỹ mở, quỹ thành viên, quỹ ETF cho tới quỹ bất động sản; số lượng quỹ tăng trở lại, với nhiều chiến lược đầu tư khác nhau, sau thời kỳ khó khăn khi hàng loạt các quỹ đóng và công ty quản lý quỹ phải giải thể; kết quả đầu tư của các quỹ mở khá tốt, hầu hết đều có mức tăng trưởng cao hơn so với chỉ số VN-Index.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động đầu tư của các quỹ cổ phiếu, quỹ cân bằng ghi nhận kết quả khá tích cực. Ngoại trừ Quỹ VFMVFA có tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) âm, các quỹ như VCBF-BCF và VCBF-TBF của Vietcombank, Quỹ VF1 và VF4 của VFM, Quỹ SSI-SCA của SSIAM, đều có tăng trưởng NAV/CCQ trên 12%, cao hơn so với mức tăng của các chỉ số chứng khoán.
Các quỹ lựa chọn chiến lược đầu tư mô phỏng theo chỉ số như BVFED, hay 2 quỹ ETF VFMVN30 và SSIAMHNX30 cũng ghi nhận kết quả hoạt động khả quan. Cụ thể, NAV/CCQ của BVFED tăng 5,9% và VFMVN30 tăng 4,5%, đều cao hơn mức tăng 4,4% của chỉ số VN30.
Với hiệu quả đầu tư được đánh giá là tốt so với mức trung bình thị trường, hoạt động huy động vốn mới của các quỹ mở có nhiều kết quả tích cực so với giai đoạn trước đó, dù phần lớn nguồn vốn được huy động từ các tổ chức là đối tác của các công ty quản lý quỹ. Có thể kể đến Quỹ Đầu tư giá trị MB Capital (MBVF), Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF), hay các quỹ của Vietcombank. Các quỹ này đều có mức tăng trưởng số lượng chứng chỉ quỹ phát hành trong 6 tháng đầu năm 2016 là trên 20%.
Đây chính là cơ sở để nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về sự chuyển biến tích cực của ngành quản lý quỹ nội địa, đặc biệt trong bối cảnh ngành này đang đón nhận nhiều hỗ trợ tích cực, không chỉ về sự chuyển biến của kinh tế vĩ mô ổn định, mà là từ sự hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán Việt Nam và nhà đầu tư kỳ vọng nhiều sản phẩm tài chính mới sẽ sớm được phép triển khai, đặc biệt là các sản phẩm từ các tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại trong thời gian qua cũng là cơ sở để các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường nội địa và họ sẽ ưu tiên lựa chọn đầu tư thông qua các kênh trung gian là quỹ đầu tư nội địa có uy tín, những tổ chức không chỉ am tường về các vấn đề bản địa, mà còn quy tụ nhiều chuyên gia phân tích, tư vấn chuyên sâu.
Trước khi hướng ngoại, cần giỏi đối nội
Cơ hội đang ngày càng mở rộng với ngành quản lý quỹ, đặc biệt khi Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư ngoại tại các diễn đàn quốc tế. Họ nhìn nhận Việt Nam là một trong các quốc gia mới nổi năng động nhất trong khu vực Đông Nam Á, với nhiều lợi thế về dân số, chi phí lao động…, cũng như lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TTCK Việt Nam cũng được đánh giá là một thị trường phát triển nhanh, với nhiều cơ hội đầu tư giá trị khi được định giá thấp hơn so với các TTCK trong khu vực. Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào các quỹ có chiến lược đầu tư phù hợp, được quản lý bởi một đơn vị quản lý quỹ có kinh nghiệm và chuyên môn cao.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, chỉ một số công ty quản lý quỹ như VFM, SSIAM, MBCapital (huy động nguồn vốn từ nhà đầu tư Nhật Bản)… là những cái tên hiếm hoi trong số 43 công ty quản lý quỹ được cấp phép tại Việt Nam, thu hút được dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài để đầu tư trở lại vào thị trường Việt Nam. Lãnh đạo một công ty quản lý quỹ nội có trụ sở tại TP. HCM cho biết, các công ty quản lý quỹ trong nước phải cạnh tranh rất gay gắt với các công ty quản lý quỹ nước ngoài để thu hút nguồn tài chính.
“Chúng ta vẫn cho rằng, các công ty quản lý quỹ nội là những đơn vị am hiểu TTCK Việt Nam nhất, cũng như sở hữu đội ngũ giám đốc đầu tư, chuyên viên phân tích được đào tạo tốt và dày kinh nghiệm nhất, nhưng điều đó không đảm bảo rằng, nhà đầu tư ngoại sẽ thích đầu tư thông qua các công ty quản lý quỹ nội địa. Trong vài năm gần đây, số vốn mà các công ty quản lý quỹ thu hút thêm có tăng, nhưng không đáng kể. Không phải các công ty quản lý quỹ không nỗ lực, mà thực tế môi trường gọi vốn ngoại rất khó khăn”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc đầu tư CTCP Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM), việc huy động vốn ngoại là rất cần thiết, nhưng không hề dễ. Để làm được điều đó, trước tiên, cần phải làm tốt việc huy động vốn từ nhà đầu tư trong nước.
Hiện tại, điều này có thể được cải thiện do nhu cầu đầu tư của các cá nhân và tổ chức có tiền nhàn rỗi vẫn rất lớn, trong khi các kênh đầu tư thay thế chưa thực sự hấp dẫn. Chẳng hạn, lãi suất tiền gửi VND dự báo sẽ vẫn thấp, chỉ đủ bù đắp lạm phát và mức giảm của VND trong năm 2016.
Vàng đang trong xu hướng giảm giá dài hạn, trong khi nắm giữ USD không mang lại lợi nhuận cao do chính sách kiểm soát tỷ giá chặt chẽ (hiện lãi suất gửi USD đã được điều chỉnh về 0%/năm). Đầu tư bất động sản cũng chưa thực sự hấp dẫn, do đòi hỏi nguồn vốn lớn, thanh khoản chưa cao, thời gian thu hồi vốn dài và khó có khả năng tăng giá mạnh do nguồn cung lớn.
“Hiện mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với hình thức đầu tư qua các quỹ đầu tư đã cải thiện nhất định sau giai đoạn cực thịnh năm 2006-2008, đặc biệt là đối với các hình thức quỹ ETF và quỹ mở, do phí quản lý thấp, tính thanh khoản linh động. Trong tương lai, khi TTCK chuyên nghiệp hơn với nhiều sản phẩm mới đa dạng và phức tạp, đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và am hiểu doanh nghiệp hơn, khi đó, tôi tin rằng, mức độ tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào các quỹ đầu tư sẽ gia tăng, tạo thuận lợi cho các quỹ huy động vốn”, ông Quang nói.
Vì vậy, điều quan trọng là các quỹ nội bên cạnh việc thu hút nhà đầu tư, cần phải thể hiện sức hút của mình bằng việc tạo ra niềm tin từ sự minh bạch, cũng như năng lực điều hành, biểu hiện qua giá trị tài sản ròng tăng trưởng ổn định. Đồng thời, phải nghiên cứu và đa dạng hóa các sản phẩm quỹ khác nhau, với cơ cấu phù hợp hơn cho từng đối tượng đầu tư.