Khó xảy ra “chiến tranh dầu mỏ” giữa Ả Rập Xê út và Iran

(ĐTCK) Một số nhà đầu tư đã bày tỏ lo ngại về khả năng “chiến tranh dầu mỏ” trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Ả Rập Xê út và Iran đang có xu hướng leo thang. 
Ý tưởng sử dụng công cụ dầu mỏ để cạnh tranh lẫn nhau là sai lầm Ý tưởng sử dụng công cụ dầu mỏ để cạnh tranh lẫn nhau là sai lầm

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nguy cơ cuộc chiến dầu mỏ này rất khó xảy ra.

Trước đó, Ả Rập Xê út thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Iran, sau khi xảy ra các cuộc biểu tình và tấn công Đại sứ quán

Ả Rập Xê út ở Tehran, liên quan tới việc Riyadh hành quyết 47 phạm nhân, trong đó có Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shii'te. Việc Ả Rập Xê út, quốc gia vùng Vịnh có đa số dân theo dòng Hồi giáo Sunni, xử tử một Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite đã làm dấy lên hoạt động biểu tình lan rộng ở các quốc gia có đa số dân theo dòng Shi’ite trong khu vực.

Điều đáng chú ý là Ả Rập Xê út và Iran có sự khác biệt rất lớn về chính trị, tín ngưỡng tại khu vực Trung Đông, song hai quốc gia này lại có một điểm chung là sở hữu trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nếu Tehran muốn sử dụng dầu mỏ như một công cụ để gây tổn thương Ả Rập Xê út, thì điều đó khó có khả năng thành công trong dài hạn, bởi lẽ bản thân Riyadh trước đó đã phát đi tín hiệu lao vào “cuộc chơi” giá dầu thấp để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, bằng cách cắt giảm trợ cấp trong nước và chi tiêu chính phủ để giảm thâm hụt ngân sách cho năm 2016.

Riyadh có đủ công cụ để phòng vệ một khi cuộc chiến giá dầu với Iran nổ ra. Bên cạnh việc có chi phí sản xuất dầu mỏ thấp, Riyadh còn có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn, cùng nguồn trái phiếu chính phủ mà quốc gia vùng Vịnh này vẫn chưa khai thác trên các thị trường nợ quốc tế. Đây cũng là một lựa chọn khả dĩ mà  Ả Rập Xê út có thể cân nhắc trong trường hợp cần thiết.

Đó thực sự là cuộc đua xem ai sẽ là người chạm đáy trước. Tất nhiên, Iran cũng rất tự tin vào nguồn lực dầu mỏ cực lớn của mình, kết quả của nhiều năm ngành dầu khí chưa được khai thác hết khả năng, cũng như chưa phát triển bùng nổ do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Richard Hastings, nhà phân tích chiến lược tại Seaport Global Securities cho rằng, dù giá dầu có bị đẩy xuống thấp hơn nữa cũng khó có thể ngăn Iran tiếp tục đem nguồn cung dầu mỏ của mình ra thị trường thế giới.

Vì thế, dầu mỏ có vẻ không phải là một vũ khí tối ưu trong cuộc xung đột giữa Riyadh và Tehran, song điều đó không đồng nghĩa hai quốc gia này sẽ để căng thẳng hạ nhiệt. Họ vẫn còn những công cụ kinh tế (và thậm chí quân sự) để làm khó đối phương của mình.

“Iran và Ả Rập Xê út có phải hai đối thủ cạnh tranh. Câu trả lời là có. Sự cạnh tranh đó có gia tăng hay không? Đó là điều chắc chắn! Tuy nhiên, ý tưởng sử dụng công cụ dầu mỏ để cạnh tranh lẫn nhau là sai lầm”, vị chuyên gia này nhận định.

Trước mắt, Ả Rập Xê út và Iran có thể sẽ không hợp tác với nhau trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nơi cả hai nước đều là thành viên. Kết quả là, sự chia rẽ trong nội bộ OPEC về chính sách và định hướng giá dầu trong thời gian tới có thể còn khác biệt hơn nữa.

“OPEC sẽ không còn là con hổ trên thị trường dầu mỏ. Đó đã là câu chuyện của 30 năm trước”, giới phân tích nhận định.

Không chỉ thị trường dầu mỏ, căng thẳng ngoại giao giữa Ả Rập Xê út và Iran còn tác động mạnh tới thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và chứng khoán vùng Vịnh nói riêng. 6 thị trường chứng khoán các nước vùng Vịnh đều giảm điểm trong phiên giao dịch gần nhất, trong đó hai thị trường chứng khoán lớn nhất là Ả Rập Xê út và Qatar ghi nhận mức giảm mạnh hơn cả.

Việt Khoa

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục