Cuộc “thay da đổi thịt” đau đớn của thị trường dầu mỏ

(ĐTCK) Giá “vàng đen” sụt giảm mạnh là một hiện tượng nhất thời hay phản ánh sự thay đổi cấu trúc tại thị trường dầu mỏ ở các châu lục.
Cuộc “thay da đổi thịt” đau đớn của thị trường dầu mỏ

Nếu thay đổi đó mang tính cấu trúc, nó sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế toàn cầu, yếu tố địa chính trị và năng lực quản lý biển đối khí hậu của thế giới? Cây viết bình luận Martin Wolf của Thời báo Tài chính (Anh) đã có bài viết đánh giá về những vấn đề này, cũng như nhận định về một nền kinh tế dầu mỏ toàn cầu mới.

Tính chung trong giai đoạn từ tháng 6/2014 đến tháng 10/2015, giá dầu mỏ thế giới đã giảm hơn một nửa. Tính riêng trong tháng 11 vừa qua, giá “vàng đen” thực tế thấp hơn 17% so với giá trung bình kể từ năm 1970. Trước đây, người ta thường có xu hướng tin vào những quan điểm như: dầu mỏ là một nguồn tài nguyên có hạn và giá “vàng đen” theo thời gian sẽ tăng; tiêu thụ dầu mỏ chủ yếu là tại các quốc gia phương Tây hay Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) luôn sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, phần lớn những quan niệm truyền thống kiểu này đã không còn chính xác.

Một trong những nguyên nhân tạo ra những thay đổi này là cuộc cách mạng dầu đá phiến tại Mỹ. Từ gần như con số 0 trong năm 2010, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã tăng lên khoảng 4,5 triệu thùng/ngày tính tới thời điểm hiện tại. Hầu hết lượng dầu đá phiến này, có thể đem lại lợi nhuận với mức giá bán trong khoảng 50-60 USD/thùng.

Bên cạnh đó, năng suất sản xuất dầu đá phiến (được đo bằng sản lượng ban đầu trên mỗi giàn khoan) tăng trên 30%/năm trong giai đoạn năm 2007-2014. Sự tăng trưởng nhanh của dầu đá phiến chính là nhân tố quyết định tới sự sụp đổ giá dầu thô năm ngoái, tạo ra sự mất cân đối nghiêm trọng trên thị trường cung - cầu dầu mỏ.

Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào?

Thứ nhất, nó cho thấy mức độ co dãn trong ngắn hạn của nguồn cung dầu mỏ cao hơn so với trước đây. Chi phí sản xuất dầu đá phiến biến động hơn so với dầu mỏ truyền thống là do những khoản đầu tư nhanh chóng và mạnh tay vào công nghệ khai thác dầu kiểu mới này.

Hiện nay, OPEC, đặc biệt là Ả Rập Xê út, quốc gia đứng đầu, vẫn quyết giữ sản lượng để bảo vệ thị phần dầu mỏ trước sự cạnh tranh của các đối thủ. Chiến lược giá dầu thấp sẽ tạo ra những “nỗi đau” đối với các nhà sản xuất khi chi ngân sách của nhiều nền kinh tế thành viên OPEC đang vượt quá nguồn thu từ dầu mỏ. Liệu họ có thể chịu đựng những tổn thương này trong bao lâu?

Thứ hai, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về phương diện giao dịch và tiêu thụ dầu mỏ. Trung Quốc và Ấn Độ có thể trở thành nhà nhập khẩu ròng dầu mỏ quan trọng trên thế giới, trong khi nhập khẩu ròng “vàng đen” của Mỹ lại sụt giảm. Ước tính, 60% mức tăng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ đến từ hai nền kinh tế hàng đầu châu Á này trong vòng 20 năm tới. Tới năm 2035, Trung Quốc có thể phải nhập khẩu tới 3/4 nhu cầu dầu mỏ của mình, trong khi mức tương ứng của Ấn Độ lên tới 90%.

Trong báo cáo triển vọng năng lượng thế giới 2015, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo giá dầu sẽ ở mức 80 USD/thùng vào năm 2020, khi nhu cầu gia tăng vượt qua yếu tố nguồn cung. Bên cạnh đó, một dự báo độc lập cũng đang được cân nhắc, khi cho rằng giá “vàng đen” chỉ có thể dao động quanh ngưỡng 50 USD/thùng trong thập kỷ này.

Một thách thức khác đặt ra là khả năng ổn định giá dầu mỏ của OPEC. Hiện nay, tổ chức này, đặc biệt là Ả Rập Xê út, quốc gia đứng đầu, vẫn quyết giữ sản lượng để bảo vệ thị phần dầu mỏ trước sự cạnh tranh của các đối thủ. Chiến lược giá dầu thấp sẽ tạo ra những “nỗi đau” đối với các nhà sản xuất khi chi ngân sách của nhiều nền kinh tế thành viên OPEC đang vượt quá nguồn thu từ dầu mỏ. Liệu họ có thể chịu đựng những tổn thương này trong bao lâu?

Trên thực tế, sự nổi lên của dầu đá phiến phơi bày một thực tế rằng, năng lực cung cấp dầu mỏ toàn cầu không chỉ là rất lớn mà còn đang mở rộng. Hãy quên các mức đỉnh sản lượng đi. Trong vòng 35 năm qua, thế giới đã tiêu thụ khoảng 1.000 tỷ thùng dầu. Cũng trong giai đoạn này, trữ lượng dầu mỏ của thế giới cũng tăng thêm trên 1.000 tỷ thùng. Điều đó cho thấy, thế giới không hề trong tình trạng cạn kiệt dầu mỏ, đồng thời đặt ra một thách thức khác về việc hạn chế tình trạng Trái Đất nóng lên khi con người vẫn đang đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.

Những nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và quản lý biển đối khí hậu đang ở “hai đầu chiến tuyến”. Điều này đặt ra thách thức với các nhà lãnh đạo thế giới trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP21) vừa qua tại Paris (Pháp).

Theo IEA, trợ giá việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã vượt mức 493 tỷ USD năm 2014. Giá dầu thấp chính là tiền đề để tiến tới việc chấm dứt hoàn toàn việc trợ giá này. Tuy nhiên, phải chăng cơ hội quan trọng này đã bị thế giới bỏ lỡ?

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục