Khảo sát trên của CNBC được thực hiện với các nhà phân tích và giao dịch hàng đầu trong lĩnh vực dầu mỏ, cho thấy sự quan tâm lớn tới thời điểm Iran thực sự trở lại thị trường năng lượng. Theo đó, 23% dự đoán Iran sẽ trở lại thị trường trong quý I hoặc quý II/2016; 27% cho rằng điều này sẽ chỉ xảy ra trong nửa cuối năm 2016, trong khi 14% nhận định nó có thể xảy ra sớm hơn ngay trong quý IV năm nay.
Phía Iran cho biết, quốc gia này có thể tăng sản lượng xuất khẩu thêm 1 triệu thùng/ngày, song giới phân tích nghi ngờ về con số này, khi sản lượng thực tế vẫn chưa tăng mạnh. Tuy nhiên, Iran hiện vẫn sở hữu khoảng 50 triệu thùng dầu thô trên các tàu chứa ngoài khơi và số dầu này có thể được đưa vào thị trường toàn cầu một cách nhanh chóng.
“Nếu Iran trở lại muộn hơn 6 tháng so với những gì thị trường đồn đoán, điều này sẽ gây khó cho việc dự đoán giá dầu. Tôi cho rằng, thị trường chờ đợi một cú hích trong nửa đầu năm 2016 và nếu nó diễn biến muộn hơn, thị trường sẽ chịu tác động”, Micheal Cohen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng tại Barclays nhận định.
Ông Cohen cho rằng, Iran có thể nâng sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày vào cuối năm tới, bắt đầu với mức tăng 200.000 thùng/ngày ngay cuối năm nay. Ông cũng lưu ý rằng, Iran sẽ không “gây lụt” trên thị trường nếu giá “vàng đen” xuống quá thấp. Bên cạnh đó, sản lượng dầu thô của Mỹ đã bắt đầu giảm dần từ tháng 7 vừa qua, với mức giảm khoảng 50.000 - 60.000 thùng/ngày.
Chuyên gia John Kilduff tại Again Capital cho rằng, thị trường dầu mỏ vốn đang trong tình trạng dư cung hiện nay chuẩn bị phải đối mặt với làn sóng nguồn cung mới sẵn sàng tràn vào thị trường. Điều mà mọi người quan tâm nhất hiện nay, nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận, là thời điểm dự kiến Iran sẽ quay lại thị trường. John Kilduff cho rằng, Iran sẽ xuất khẩu ít nhất 500.000 thùng dầu/ngày ra thị trường vào đầu năm 2016.
Khảo sát trên cũng chỉ ra những điểm đáng chú ý liên quan tới Ả Rập Xê út, quốc gia giữ vai trò chủ chốt trong các quyết sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo đó, vương quốc dầu mỏ này muốn để thị trường tự quyết định giá dầu, thay vì giảm sản lượng. Bất chấp giá dầu sụt giảm, Ả Rập Xê út vẫn xuất khẩu “vàng đen” ở mức kỷ lục và tiếp tục gia tăng sản xuất ở mức độ cao.
95% chuyên gia được khảo sát cho rằng, họ không nhìn thấy khả năng Ả Rập Xê út cắt giảm sản lượng mạnh trong năm nay. 57% cho rằng, nguồn cung dầu mỏ chính là động lực quan trọng nhất tác động tới giá dầu, theo sau là đồng USD.
“Sự thật là Ả Rập Xê út, Iraq và Mỹ đã tăng xuất khẩu tổng cộng 2 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường thế giới kể từ khi giá dầu tụt dốc mạnh. Và điều này xảy ra ngay cả trước khi Iran trở lại thị trường dầu mỏ”, Phó Chủ tịch IHS Daniel Yergin nhận định.
Dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận hạt nhân Iran, trong khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ thanh tra các cơ sở hạt nhân của Tehran trước khi lệnh trừng phạt quốc tế chính thức được dỡ bỏ.
Khảo sát của CNBC dự báo giá dầu sẽ ở mức thấp hơn trong một thời gian dài. 62% cho rằng, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) có thể được giao dịch trong ngưỡng 30 - 40 USD/thùng trong tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, 32% dự báo giá dầu sẽ phục hồi lên ngưỡng 50 - 60 USD/thùng vào cuối năm. Tỷ lệ tương tự cho rằng giá dầu ở mức 40 - 50 USD/thùng cuối năm nay.
Nhìn chung, các mức giá này khác biệt hoàn toàn so với dự báo trước đó. Hồi tháng 6, mức giá trung bình dự báo giá dầu cuối năm nay ở mức khoảng 60 USD /thùng.
Giá dầu thế giới đã giảm hơn 1/3 kể từ đầu năm cho tới nay. Trong phiên giao dịch ngày 7/8, giá dầu đã từng rơi xuống mức thấp nhất trong 6,5 năm qua và đà tụt dốc này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước diễn biến của giá dầu quốc tế, nhiều kỳ vọng được đưa ra là giá xăng dầu trong nước sẽ giảm trong đợt điều chỉnh giá ngày hôm nay (19/8). Theo đó, mức giảm có thể không mạnh như biến động trên thị trường dầu mỏ thế giới, nhưng sẽ được điều chỉnh ở mức phù hợp.