Thêm một nhân tố tác động tới thị trường dầu mỏ

(ĐTCK) Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về thỏa thuận khung của chương trình hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 bước vào giai đoạn nước rút, nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng, thành công của thỏa thuận này có thể tạo thêm sức ép lớn đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Thêm một nhân tố tác động tới thị trường dầu mỏ

Đại diện Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Đức và Trung Quốc) một lần nữa nhóm họp với các quan chức Iran tại Lausanne (Thụy Sỹ), trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận ngăn chặn Tehran phát triển chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Các cuộc đàm phán bước vào giai đoạn cuối cùng trước thời hạn chót và có thể kết thúc vào đêm ngày 31/3 (sáng nay, ngày 1/4 theo giờ Việt Nam). 

Nhà phân tích Michael Wittner, chuyên gia dầu mỏ tại Societe Generale lạc quan cho rằng, cơ hội thành công tiến tới thỏa thuận khung này là 70%. Trong khi đó, người đứng đầu Nhóm năng lượng chiến lược toàn cầu tại Citi, Seth Kleinman thì thận trọng hơn, khi chỉ nhận định rằng khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện đã cao hơn đáng kể. Thị trường dầu mỏ lập tức phản ứng tiêu cực trước các thông tin liên quan tới cuộc gặp gỡ và giá dầu đã sụt giảm nhẹ trong chốt phiên ngày 30/3, khi các nhà giao dịch cho rằng, một khi thỏa thuận khung này thành công thì các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran sẽ được nới lỏng, và cơ hội xuất khẩu “vàng đen” sẽ mở ra nhiều hơn đối với nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới này.

Rõ ràng, triển vọng về thỏa thuận hạt nhân của Iran là một nhân tố gây áp lực thêm đối với thị trường dầu mỏ, vốn đã phải đối mặt với sức ép giảm giá do đồng USD mạnh và nguồn cung dư thừa. Nhà phân tích Tim Evans tại Citi Futures nhận định: “Mặc dù thỏa thuận hạt nhân Iran đang ở thời điểm khó dự đoán, song chúng tôi coi đó là diễn biến ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường dầu mỏ, khi có thể đưa hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của Iran quay lại thị trường”.

Một số nhà phân tích cho rằng giá dầu có thể giảm tới 5 USD/thùng nếu thỏa thuận khung đạt được.Tuy nhiên, chưa rõ việc giảm giá này sẽ kéo dài trong bao lâu hay chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Trên phương diện nguồn cung dầu mỏ, chưa có gì chắc chắn sẽ xảy ra cho đến khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết sớm nhất vào cuối tháng Sáu tới. Nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ vào ngày đó, thì hàng triệu thùng dầu mà Iran đang tích trữ có thể tràn ngập thị trường, vốn đã trong tình trạng nguồn cung vượt nhu cầu. Thêm vào đó, Iran, một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từng khẳng định sẽ tăng xuất khẩu thêm 1 triệu thùng dầu/ngày nếu các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, vấn đề chính trên thị trường dầu mỏ hiện nay là yếu tố tâm lý, khi dầu mỏ Iran sẽ chưa thể đóng vai trò chủ chốt trên các thị trường “vàng đen” toàn cầu trong ngắn hạn, ít nhất là đến cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Bên cạnh đó, Iran và phương Tây còn đối mặt với một số vướng mắc, trong đó có việc Iran sẽ vận chuyển nhiên liệu hạt nhân ra khỏi nước này hay không (có thể là sang Nga), hay một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran sẽ được phép nghiên cứu phát triển hạt nhân trên quy mô như thế nào. Đó là còn chưa kể đến hoạt động thanh tra và mức độ minh bạch trong thỏa thuận cuối cùng giữa hai phía.

Lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt với Iran năm 2006, khi phương Tây cáo buộc Iran xây dựng kho vũ khí hạt nhân, trong khi quốc gia Trung Đông khẳng định, họ chỉ theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình, và quyết không từ bỏ chương trình làm giàu uranium của mình. Lệnh trừng phạt đã khiến lượng dầu xuất khẩu của Iran chỉ đạt trên 1 triệu thùng/ngày kể từ năm 2012 và gây ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế nước này.  

Một nguồn tin trong lĩnh vực dầu khí tiết lộ Iran đang tích trữ ít nhất 30 triệu thùng dầu trên các “siêu tàu chứa” ngoài khơi, trong bối cảnh lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế khả năng xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này. Iran tích trữ số dầu này chủ yếu trong các tàu chứa của Công ty tàu chở dầu quốc gia Iran. 15 tàu chở dầu cực lớn mỗi tàu có thể vận chuyển 2 triệu thùng dầu thô đã được triển khai ngoài khơi phục vụ hoạt động tích trữ dầu.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục