Thứ hai là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi, song người Mỹ lại thay đổi thói quen tiêu thụ dầu mỏ.
Trên thực tế, Mỹ ngày càng tiến gần hơn tới xu hướng độc lập năng lượng cũng như gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Thông thường, tăng trưởng GDP và nhu cầu dầu mỏ luôn song hành. Tuy nhiên, Christopher Knittel, Giáo sư kinh tế tại Viện quản lý công nghệ Massachusetts cho rằng: “Hai yếu tố này đang trở nên không còn phụ thuộc lẫn nhau vì các khoản đầu tư cho cuộc cách mạng nhiên liệu đã phá vỡ sự liên kết này”.
GDP của Mỹ đã tăng trưởng 2,4% trong quý III/2014 so với cùng kỳ năm trước đó, song tiêu thụ dầu mỏ lại giảm 0,3%.
Cuộc cách mạng năng lượng đã thúc đẩy sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 1983. Chỉ trong vòng 5 năm qua, sản lượng dầu mỏ Mỹ tăng tới 65%. Mỹ đã tự cung tự cấp được tới 89% nhu cầu sử dụng năng lượng của mình năm 2014 và sẽ xuất khẩu năng lượng nhiều hơn lượng nhập khẩu vào năm 2025.
Theo Trung tâm thông tin năng lượng, trong tương quan giữa tăng trưởng GDP và nhu cầu dầu mỏ, thì tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ nhanh gấp 4 lần so với nhu cầu dầu mỏ năm 2015.
Trả lời phỏng vấn CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob J. Lew cho biết: “Sự độc lập trong cách mà chúng tôi phát triển lĩnh vực năng lượng thực sự là câu chuyện thành công. Điều đó rõ ràng đem lại những tín hiệu tích cực nếu bạn nhìn vào tác động tới nền kinh tế”.
Có một cách tính dễ hiểu để thấy người Mỹ đang phụ thuộc ít hơn vào dầu mỏ: 1.178 thùng dầu được tiêu thụ mỗi ngày cho 1 tỷ GDP tạo ra trong tháng 9/2014, giảm 33% so với mức tương ứng 1.760 thùng/ngày năm 1994. Một trong những nguyên nhân tạo ra sự thay đổi này là khả năng sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn, đặc biệt là thị trường ô tô Mỹ.
Theo Viện nghiên cứu Giao thông thuộc Đại học Michigan, mỗi chiếc ô tô bán ra tại Mỹ trong tháng 8/2014 tiêu thụ 1 gallon nhiên liệu cho quãng đường di chuyển 25,8 dặm, xa hơn tới 28% so với năm 2007. Bên cạnh đó, kết cấu dân số Mỹ đang có sự thay đổi lớn, khi giới trẻ Mỹ có xu hướng chuyển đến sinh sống tại các thành phố, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều người có thể đi lại mà không cần ô tô.
Một cách khác mà người dân Mỹ thay đổi thói quen sử dụng năng lượng đó là hướng nhiều hơn tới các nguồn năng lượng sạch.
Số liệu thống kê của hãng tin Bloomberg cho thấy, các nhà phát triển năng lượng Mỹ đã đầu tư trên 250 tỷ USD năm 2014 cho các nguồn năng lượng tái tạo như gió hay năng lượng mặt trời.
Trong vòng 5 năm qua, doanh số của các công ty năng lượng tái sinh Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 49%/năm, trong khi con số này của các công ty dầu mỏ và than đá chỉ là 9,4%. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo cũng nhảy lên mức kỷ lục 252 triệu MWh năm 2013, còn mức tương ứng từ dầu mỏ chỉ là 13 triệu MWh, giảm tới 88% kể từ năm 2003.
Tất nhiên, không thể không nhắc tới công nghệ khai thác dầu mỏ mới đang được áp dụng tại Mỹ, kỹ thuật bẻ gãy thủy lực và khoan ngang đã mở khóa nguồn tài nguyên hydrocarbon ẩn trong những cấu trúc đá phiến, mà trong suy nghĩ của con người trước đây là không thể khai thác được.
Sản lượng dầu mỏ tăng cao giúp Mỹ nhập khẩu dầu mỏ ít hơn so với hai thập kỷ trước, xây dựng thêm các nhà máy hóa chất và tăng lượng xuất khẩu nhiên liệu (không phải dầu thô) lên 3,6 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trên thế giới.
Rõ ràng, giá dầu mỏ tụt dốc sẽ cho phép người tiêu dùng tiết kiệm được những khoản chi mà họ có thể dùng để mua các phương tiện đi lại sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn, nhà phân tích năng lượng Philip Verleger nhận định. Cũng như vậy, các hãng hàng không sẽ tái đầu tư lợi nhuận dư thừa từ giá dầu mỏ rẻ để mua các mẫu máy bay mới tiết kiệm nhiên liệu hơn. Người tiêu dùng đang tận dụng tối đa khả năng của mình để hạn chế tiêu thụ dầu mỏ và chính giá dầu mỏ giảm sâu sẽ kéo theo vận mệnh của ngành công nghiệp đá phiến.