Trên thực tế, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ, các công ty dầu và khí đốt tự nhiên Bắc Mỹ đã phải tìm kiếm giải pháp tín dụng mới do chi phí vay mượn bị đẩy cao hơn hồi tháng 4/2014, khi các ngân hàng định giá lại khoản thế chấp cho vay nhằm đảm bảo mức độ an toàn cho dòng tín dụng. Một mặt, nhiều công ty dầu mỏ đang phải sa thải nhân công, cắt giảm lương và các khoản đầu tư không cần thiết để bảo vệ nguồn tiền mặt. Mặt khác, họ đang chuyển hướng sang các hình thức tài chính sáng tạo như tìm kiếm vốn từ các quỹ đầu cơ, các tổ chức tín dụng cá nhân hay các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh như tỷ phú Carl Icahn, người đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh hấp dẫn thời khủng hoảng và có đủ tiền mặt để chấp nhận các biến động thị trường một thời gian dài.
Một ví dụ điển hình là cổ phiếu của Công ty Khoan dầu Eclipse Resources Corp (có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ) đã giảm tới 77% kể từ khi hãng thu được 818 triệu USD nhờ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 20/6/2014, thời điểm giá dầu vẫn còn ở mức cao 107 USD/thùng. Trong thỏa thuận được thông báo mới đây, Eclipse đã quyết định bán thêm lượng cổ phiếu với trị giá 325 triệu USD cho nhà đầu tư lớn nhất Encap Investments và tìm kiếm thêm nguồn tiền mặt từ công ty đầu tư cá nhân KKR & Co. để trang trải cho các hoạt động thăm dò dầu khí năm 2015.
Quỹ đầu tư khổng lồ Blackstone đang hoàn tất một thương vụ tài trợ năng lượng trị giá 4,5 tỷ USD trong tháng 2 này, đồng thời sẵn sàng cung cấp cho khách hàng số tiền trên 1 tỷ USD để mua cổ phiếu của các nhà sản xuất dầu khí đang gặp vấn đề. Steve Schwarzman, Giám đốc điều hành Blackstone cho rằng: “Thông thường, các công ty sẽ chỉ gặp vấn đề sau 1 - 2 năm hoạt động, song điều này sẽ xảy ra rất nhanh đối với một số công ty dịch vụ”.
Trong khi đó, các công ty năng lượng nhỏ lại đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường nợ. Họ không thể thu hút tiền mặt với các điều khoản có lợi do các nhà đầu tư yêu cầu lãi suất cao hơn, nhà nghiên cứu dầu khí tại Fitch Ratings, Sean Sexton nhận định.
Theo số liệu thống kê, các công ty năng lượng đã vay mới khoảng 550 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2014. Đánh giá về rủi ro vỡ nợ của các loại cổ phiếu và trái phiếu năng lượng, công ty nghiên cứu CreditSights nhận định, tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi lên 8% trong năm nay. Chi phí bảo hiểm cho các khoản nợ của công ty năng lượng cũng tăng, thậm chí đối với một số nhà sản xuất và khai thác dầu khí hàng đầu thế giới như Exxon Mobil Corp. và Chevron Corp.
Giới phân tích tin rằng, sự tụt dốc của giá dầu có nhiều nguyên nhân sâu xa hơn là sự điều chỉnh kỹ thuật của thị trường. Nó đánh dấu một bước chuyển đổi cơ bản trong ngành công nghiệp dầu khí, giới hạn biên độ lợi nhuận ngày càng bị thu hẹp do doanh thu sụt giảm và chi phí tài chính gia tăng.
Liên đoàn công nhân ngành thép Mỹ, đơn vị đại diện cho công nhân từ 200 nhà máy lọc dầu, xây dựng đường ống dẫn dầu và nhà máy hóa chất đã tiến hành đình công hôm Chủ nhật (1/2) vừa qua sau khi không thể đạt được hợp đồng lao động mới. Bên cạnh đó, thông tin về việc các công ty dầu khí Mỹ thu hẹp hoạt động thăm dò đã khiến giá dầu phục hồi phần nào lên ngưỡng gần 50 USD/thùng ngày 3/2. Tuy nhiên, để duy trì một mức giá thật sự ổn định, các quốc gia và công ty dầu khí phải chấp nhận giảm sản lượng thực tế, song quá ít người muốn họ là người đầu tiên thực hiện điều đó và để thua trong một cuộc chơi dầu mỏ quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp dầu khí đang trải qua một chu kỳ khắc nghiệt. Giá dầu tụt dốc sẽ làm giảm dòng tiền mặt của các nhà sản xuất, khiến họ chi tiêu ít hơn cho hoạt động thăm dò và khoan các giếng dầu mới. Điều này kéo theo doanh thu, lợi nhuận, giá trị thị trường và thanh khoản cùng suy giảm.