OPEC: Thị trường dầu mỏ vẫn căng thẳng tới năm 2019

(ĐTCK) Báo cáo nội bộ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ vẫn chịu sức ép trong vài năm tới.
OPEC vẫn kiên quyết đi theo chiến lược đánh đổi giá dầu để giữ vững thị phần OPEC vẫn kiên quyết đi theo chiến lược đánh đổi giá dầu để giữ vững thị phần

Đây sẽ là yếu tố quan trọng bậc nhất tác động tới những tranh luận chưa thể ngã ngũ về chiến lược bảo vệ thị phần hay bảo vệ giá “vàng đen” của OPEC.

Theo hãng tin Reuters, báo cáo nội bộ về chiến lược dầu mỏ dài hạn của OPEC dự đoán, nguồn cung dầu thô từ OPEC (hiện ở mức khoảng 30 triệu thùng/ngày) sẽ giảm nhẹ cho đến năm 2019, trừ khi sản lượng dầu mỏ từ các đối thủ của OPEC giảm nhanh hơn dự kiến.

Đại diện chính thức của 12 nước thành viên OPEC đã nhóm họp tại Vienna (Áo) hôm 4/11 để thông qua những chi tiết cuối cùng của bản báo cáo này. Báo cáo dài 44 trang, đánh dấu “tuyệt mật”, bao gồm một phụ lục đăng tải những bình luận từ 2 thành viên của OPEC là Iran và Algeria, trong đó đề xuất OPEC quay trở lại chính sách dầu mỏ như trước kia thông qua việc điều chỉnh nguồn cung để kéo giá dầu lên mức phù hợp.

“Tiến tới một thỏa thuận cân bằng và hợp lý về giá dầu mỏ trong vòng 6-12 tháng tới” là một trong những bước đi Iran khuyến nghị OPEC thực hiện. Bên cạnh đó, theo Iran, “mức trần sản lượng dầu mỏ OPEC cũng nên được áp đặt trong giai đoạn tương đương”.

Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, các bộ trưởng dầu mỏ OPEC đã nhóm họp và quyết định chấp nhận theo đuổi chiến lược đẩy giá dầu xuống thấp để cạnh tranh thị phần với các đối thủ, đặc biệt là những nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Kể từ khi OPEC thực thi chính sách này, sản lượng dầu mỏ của OPEC vẫn tăng, song giá dầu đã tụt thê thảm và tác động mạnh tới doanh thu xuất khẩu “vàng đen” của các nước thành viên.

Báo cáo mới của OPEC cho rằng, giá dầu chỉ phục hồi nhẹ trong vài năm tới, sau khi đã tụt dốc hơn một nửa trong vòng gần một năm rưỡi qua. Mức giá giả định mà OPEC nhận định trong báo cáo của mình là 55 USD/thùng năm 2015, tăng dần 5 USD/thùng mỗi năm tiếp theo và tiến tới mốc 80 USD/thùng vào năm 2020.

Ả Rập Xê út, quốc gia đứng đầu OPEC, đồng thời nhận được sự ủng hộ từ các thành viên vùng Vịnh giàu có khác, đã tiên phong dẫn dắt chiến lược thay đổi dầu mỏ của OPEC hồi năm ngoái. Đến nay, quốc gia này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ ngừng lại và coi đó là cách tiếp cận dài hạn đối với chiến lược dầu mỏ của mình.

Báo cáo nội bộ của OPEC ủng hộ quan điểm rằng, thị phần của OPEC sẽ tăng trong dài hạn, khi sản lượng dầu đá phiến và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giảm bớt. “Nhiều khả năng nguồn cung dầu đá phiến và LNG sẽ chạm mức đỉnh sau năm 2020 và bắt đầu giảm dần. Kết quả là, dầu thô của OPEC có thể tăng trở lại trong dài hạn, đạt mức sản lượng 40,7 triệu thùng/ngày vào năm 2040. Hơn nữa, thị phần dầu mỏ toàn cầu của OPEC cũng sẽ tăng lên mức 37% so với mức 33% như hiện nay”, báo cáo trên cho biết.

Trong dài hạn, khi tăng trưởng sản lượng từ các thành viên ngoài OPEC giảm dần, báo cáo cho rằng giá dầu sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng vạch ra kịch bản khác, khi sản lượng từ các nước ngoài OPEC vẫn ổn định, gây sức ép với thị phần và tạo ra sự bất ổn đối với nhu cầu dầu mỏ OPEC trong tương lai. Trong kịch bản xấu nhất đó, sản lượng dầu thô của OPEC sẽ chạm mức thấp nhất 28,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

OPEC xuất bản báo cáo chiến lược dầu mỏ 5 năm/lần. Trước đó, trong báo cáo hồi năm 2010, OPEC không đề cập dầu đá phiến là một đối thủ cạnh tranh quan trọng mà chỉ nhấn mạnh về những thay đổi mà thị trường dầu mỏ đã trải qua trong 5 năm.     

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục