Indonesia sẽ thành lập Quỹ đầu tư quốc gia vốn ban đầu 1 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Nguồn vốn của SWF có thể đến từ nguồn dự trữ ngoại hối, thặng dư thương mại, thặng dư ngân sách, cũng như nguồn thu của nhà nước từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN). Người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN).

Sau khi phê duyệt Luật Omnibus (đạo luật gồm nhiều nội dung khác nhau) về tạo việc làm, Chính phủ Indonesia sẽ thành lập Quỹ đầu tư quốc gia (SWF) với số vốn ban đầu 15.000 tỷ rupiah (1,013 tỷ USD) bằng tiền và tài sản nhà nước, hoặc các khoản phải thu của nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân.

Theo Bộ trưởng điều phối Các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto, SWF sẽ giúp mời gọi các nhà đầu tư.

Việc thành lập cơ quan mới này được quy định cụ thể trong chương của Omnibus về đầu tư của chính quyền trung ương và thúc đẩy các dự án chiến lược quốc gia.

SWF sẽ được đặt dưới sự giám sát của Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước (SOE), Bộ trưởng Tài chính cùng các chuyên gia, và trực tiếp báo cáo với Tổng thống.

Luật Omnibus cũng quy định rằng tài sản của nhà nước và các SOE có thể được sử dụng làm vốn đầu tư của Chính phủ trung ương cho SWF.

Các tài sản này cũng có thể được chuyển thẳng cho các công ty liên doanh do SWF thành lập. Các điều khoản khác liên quan đến việc chuyển nhượng sẽ được quy định rõ trong một nghị định của Chính phủ.

Theo công bố chính thức, tổng giá trị tài sản nhà nước sau khi được định giá lại đạt 10,467 triệu tỷ rupiah vào năm 2019, trong khi tài sản của các SOE đạt 8,092 triệu tỷ rupiah vào năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên ngành dịch vụ tài chính Tổng thống Joko Widodo cho biết sau khi được thành lập, SWF có tiềm năng quản lý nguồn quỹ lên tới 20 tỷ USD. Dự kiến, thực thể mới này sẽ sớm được thành lập sau khi Luật Omnibus được Quốc hội thông qua.

Phát biểu lạc quan nói trên của Tổng thống Widodo diễn ra sau khi Chính phủ Indonesia nỗ lực tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng như Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Nhật Bản, Anh, Đức và Mỹ. Bộ Doanh nghiệp Nhà nước cũng đã được chỉ định để hoàn tất việc thành lập SWF.

Trước đó, tại cuộc gặp với Tổng thống Widodo, người sáng lập Tập đoàn Softbank của Nhật Bản, ông Masayoshi Son đã cam kết tìm kiếm một khoản đầu tư khác vào dự án xây dựng thủ đô mới, sau khi tuyên bố đầu tư 2 tỷ USD vào Indonesia.

Softbank có tên trong danh sách ngày càng đông các nhà đầu tư toàn cầu mong muốn tham gia xây dựng thủ đô mới của Indonesia với số vốn lên tới 34 tỷ USD.

Ông Masayoshi Son - người đã gặp Tổng thống Widodo hai lần chỉ trong vòng 6 tháng - khẳng định rằng SoftBank mong muốn hỗ trợ xây dựng một thành phố xanh và thông minh song chưa cho biết giá trị của khoản đầu tư này.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Tổ chức Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (IDFC) Adam Boehler cho biết IDFC đang chuẩn bị một khoản đầu tư trị giá 5 tỷ USD vào Indonesia.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Widodo, ông Adam khẳng định rằng cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ Indonesia thông qua nguồn vốn tư nhân và cam kết cải thiện đời sống người dân quốc gia Đông Nam Á này.

Bộ trưởng điều phối Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Panjaitan cũng từng tuyên bố rằng số tiền do SWF huy động sẽ được sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Indonesia, trong đó có dự án xây dựng thủ đô mới.

Theo Bộ trưởng Pandjaitan, UAE sẽ đóng góp khoảng 6,8 tỷ USD cho quỹ và hai quốc gia sẽ sớm hoàn tất kế hoạch này. SWF sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Ông Pandjaitan cho biết kế hoạch tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng sử dụng SWF không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Một số quốc gia như Singapore, Ấn Độ, Ai Cập, Na Uy và Trung Quốc, đã áp dụng hình thức này.

SWF là một tổ chức hoặc cơ quan thuộc sở hữu nhà nước có nhiệm vụ quản lý các quỹ công và đầu tư vào các kênh khác nhau.

Nguồn vốn của SWF có thể đến từ nguồn dự trữ ngoại hối, thặng dư thương mại, thặng dư ngân sách, cũng như nguồn thu của nhà nước từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong số các SWF hàng đầu thế giới có Quỹ hưu trí toàn cầu của Chính phủ Na Uy, Tập đoàn đầu tư Trung Quốc và Trung tâm đầu tư Chính phủ của Singapore.

Indonesia từng tiên phong trong việc thành lập SWF vào năm 2007 dưới tên gọi Trung tâm đầu tư Chính phủ. Tuy nhiên, định chế này đã bị giải thể vào năm 2015 do hiệu quả hoạt động không đạt như kỳ vọng.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục