Cuộc thăm dò của Reuters diễn ra vào ngày 17/8 đến 27/8 với 35 giám đốc quản lý quỹ và giám đốc đầu tư ở Mỹ, châu Âu, Anh, Nhật Bản và phần lớn được thực hiện trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell công bố khung chính sách mới thúc đẩy lạm phát cao hơn để thúc đẩy phục hồi kinh tế và tạo việc làm vào thứ Năm (27/8).
Trong khi chứng khoán thế giới đã tăng gần 60% kể từ mức đáy tháng 3, cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ khuyến nghị trung bình đối với cổ phiếu trong tháng 8 trong danh mục đầu tư toàn cầu vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016, giảm xuống 43,1% từ 43,9% trong tháng 7.
Như vậy, tỷ lệ phân bổ danh mục vào cổ phiếu đã giảm 6,6% từ mức 49,7% trong tháng 1.
“Sự tăng điểm mạnh của các thị trường chứng khoán trên thế giới đối với chúng tôi chỉ là sự nhiễu loạn trước các giải pháp sức khoẻ vẫn còn nằm ngoài tầm với. Chúng tôi lo ngại hơn về câu chuyện phục hồi. Những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn còn, với hàng chục triệu người vẫn thất nghiệp vì đại dịch”, giám đốc đầu tư toàn cầu tại một công ty quản lý quỹ lớn của Mỹ cho biết.
“Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn có thể được thúc đẩy hơn nữa về tin tức của Fed. Nhưng chúng tôi nghi ngờ liệu Fed có thể nâng mức lạm phát hay không khi Fed đã không thực hiện được mục tiêu lạm phát 2% kể từ năm 2012. Chúng ta đừng quên, nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong một cuộc khủng hoảng sâu sắc, và rủi ro càng tăng lên khi người Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi vào ngày 3/11”, ông cho biết.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy phân bổ đầu tư vào trái phiếu ở mức 44,3% - mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành vào đầu năm 2010.
“Sự tăng điểm gần đây của thị trường đã dần thu hẹp dần khi các cổ phiếu nhạy cảm với kinh tế đã dần thoái lui khi những bất ổn về làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn ám ảnh thị trường”, theo Peter Lowman, Giám đốc đầu tư tại Investment Quorum.
“Tuy nhiên, chính sách của ngân hàng trung ương vẫn hỗ trợ và do đó thị trường chứng khoán có khả năng tiếp tục quỹ đạo đi lên nhưng sẽ có một số giai đoạn điều chỉnh”, ông nói thêm.
Nhưng câu trả lời cho một câu hỏi riêng biệt cho thấy các nhà quản lý quỹ vẫn thận trọng trong cách tiếp cận của họ.
Khi được hỏi điều gì có khả năng thay đổi nhất đối với danh mục đầu tư của họ, hơn 85% nhà quản lý quỹ cho biết họ sẽ “gần như duy trì vị thế hiện tại”. Những quan điểm đó nhìn chung không thay đổi so với cuộc khảo sát tháng 7.
“Cuộc khủng hoảng này đã nói với chúng ta rằng nó sẽ không phải nằm trong một chu kỳ trong kinh tế thông thường, đây không phải là một cuộc suy thoái thông thường để có thể hồi phục theo một cách thông thường”, theo Mark Robinson, Giám đốc đầu tư tại Bordier & Cie, quỹ đầu tư ở Anh.
“Rõ ràng vẫn còn nhiều điều không chắc chắn liên quan đến bản thân virus cũng như sự không chắc chắn về quy mô và hình dạng của quá trình khôi phục, vì vậy vẫn nên thận trọng”, ông cho biết.