Trước đó, vào tháng 7, tòa án đã mở phiên xử, nhưng phải hoãn lại vì bị cáo Nguyễn Văn An phải nhập viện điều trị bệnh.
Bị cáo Nguyễn Văn An nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (gọi tắt là Công ty Thái Hòa), còn Ngô Thị Hạnh (vợ An) giữ vị trí Phó tổng giám đốc.
Công ty Thái Hòa được đăng ký thành lập năm 1996. Đến năm 2008, Công ty chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần và năm 2010, niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán là THV.
Trong quá trình hoạt động, Công ty Thái Hòa đã hình thành 15 doanh nghiệp trực thuộc và đăng ký 44 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành kinh doanh chính là cà phê. Từ năm 2010, Công ty Thái Hòa lâm vào tình trạng khó khăn, vay nợ tại nhiều ngân hàng và không có khả năng trả nợ. Đến tháng 10/2016, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn An bị bắt tạm giam để điều tra vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo.
Cơ quan điều tra xác định, tại thời điểm 31/3/2016, Tập đoàn Thái Hòa còn dư nợ tại nhiều ngân hàng như Agribank là 244 tỷ đồng, VDB là 230 tỷ đồng, SHB hơn 143 tỷ đồng, Maritime Bank hơn 60 tỷ đồng, VIB là 48 tỷ đồng. Tổng cộng các khoản nợ lên tới hơn 726 tỷ đồng.
Tại Vietcombank, Công ty Thái Hòa có quan hệ tín dụng trong nhiều năm, được cấp hạn mức 200 tỷ đồng. Do hoạt động kinh doanh khó khăn, không có tiền để trả nợ, bị cáo An bàn với vợ tiếp tục đề nghị ngân hàng cho vay vốn với lý do thu mua cà phê xuất khẩu. Nhưng trên thực tế, vợ chồng An dùng tiền vay được để đáo nợ ngân hàng.
Để được ngân hàng cho vay vốn, An và vợ chỉ đạo cấp dưới, đồng thời trực tiếp lập khống nhiều tài liệu trong hồ sơ đề nghị vay tiền. Trong đó, có các hợp đồng kinh tế giả tạo, hóa đơn giá trị gia tăng khống và phương án kinh doanh “ảo”.
Công ty Thái Hòa đã ký 4 hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tài sản bảo đảm là sổ tiết kiệm (2 tỷ đồng), tài sản trên đất ở Đồng Nai, cổ phần của CTCP Cà phê An Giang...
Theo nội dung hợp đồng tín dụng, Công ty Thái Hòa phải mua bảo hiểm hàng hóa với tổng giá trị 150 tỷ đồng để tránh thiệt hại cho ngân hàng và cũng là biện pháp bảo đảm bổ sung.
Dù không có hoạt động kinh doanh, trong kho không có hàng hóa, nhưng hai bị cáo vẫn ký hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro hàng hóa (cà phê) với Bảo hiểm Bưu điện (PTI) - Chi nhánh Thăng Long và Bảo hiểm Agribank (ABIC) - Chi nhánh Nghệ An. Hai công ty này không đi kiểm tra hàng hóa thực tế nên không biết Tập đoàn Thái Hòa không có hàng trong kho.
Tuy nhiên, sau khi ký các hợp đồng mua bảo hiểm rủi ro hàng hóa, Công ty Thái Hòa chưa thanh toán hết tiền phí bảo hiểm cho PTI, nên hợp đồng không phát sinh hiệu lực.
Tổng cộng, ngân hàng đã 21 lần giải ngân cho Công ty Thái Hòa cùng các doanh nghiệp liên quan, với tổng số tiền hơn 184 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng để trả nợ cho Vietcombank (156 tỷ đồng) và một số ngân hàng khác (22 tỷ đồng).
Công ty Thái Hòa đã xử lý tài sản thế chấp là sổ tiết kiệm để trả nợ ngân hàng. Các tài sản khác vẫn đang được thế chấp có giá trị hơn 57 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định, hai bị cáo còn chiếm đoạt 127,5 tỷ đồng và nợ lãi hơn 92 tỷ đồng.
Hiện Công ty Thái Hòa không còn khả năng trả nợ do toàn bộ tài sản của Công ty và các đơn vị thành viên đều đã được đưa vào làm tài sản thế chấp cho các ngân hàng.
Với số tiền chiếm đoạt lớn, Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của hai bị cáo đã xâm phạm nghiêm trọng đến tài sản của đơn vị khác và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn An là 20 năm tù giam và bị cáo Ngô Thị Hạnh là 13 năm tù giam. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày tòa tuyên án, hai bị cáo có quyền làm đơn kháng cáo đề nghị tòa cấp trên xem xét lại bản án sơ thẩm.
Đối với khoản nợ tại các ngân hàng, cơ quan điều tra đã tách rút tài liệu để tiếp tục điều tra, xử lý.