Ngày 19/7, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Văn An (SN 1956) và Ngô Thị Hạnh (SN 1963), cùng trú tại phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 127 tỷ đồng.
Nguyên đơn dân sự trong vụ án là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Theo truy tố, thời điểm vụ án xảy ra, Nguyễn Văn An là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (gọi tắt là Công ty Thái Hòa), còn Ngô Thị Hạnh (vợ An) giữ vị trí Phó tổng giám đốc doanh nghiệp.
Công ty Thái Hòa có 15 doanh nghiệp trực thuộc và đăng ký 44 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành kinh doanh chính là cà phê. Công ty Thái Hòa có quan hệ tín dụng với Vietcombank Hà Nội trong nhiều năm, được cấp hạn mức 200 tỷ đồng.
Năm 2010, Công ty Thái Hòa lâm vào tình trạng khó khăn, vay nợ nhiều ngân hàng, trong đó nợ Vietcombank hơn 194 tỷ đồng.
Trước tình trạng nợ nần, bị cáo An bàn với vợ tiếp tục đề nghị Vietcombank Hà Nội cho vay vốn với lý do để thu mua cà phê xuất khẩu. Nhưng trên thực tế, vợ chồng An dùng tiền vay được để trả các khoản nợ trước cho các tổ chức tín dụng.
Để được ngân hàng cho vay vốn, An và vợ chỉ đạo cấp dưới, đồng thời trực tiếp lập khống nhiều tài liệu trong hồ sơ đề nghị vay tiền. Trong đó, có các hợp đồng kinh tế giả tạo, hóa đơn GTGT khống và phương án kinh doanh “ảo”.
Thực hiện việc cấp vốn cho doanh nghiệp, các ngày 7/1/2011 và 16/2/2011, ông Nguyễn Xuân Luật (đại diện Vietcombank Hà Nội) đã ký 4 hợp đồng tín dụng với Công ty Thái Hòa với mỗi hợp đồng trị giá 50 tỷ đồng.
Để được giải ngân, vợ chồng An ký các hợp đồng bảo hiểm rủi ro hàng hóa với các doanh nghiệp bảo hiểm theo thỏa thuận với Vietcombank Hà Nội (phải mua bảo hiểm rủi ro với tổng giá trị 150 tỷ đồng để tránh thiệt hại cho ngân hàng). Nhưng sau khi ký các hợp đồng mua bảo hiểm rủi ro hàng hóa, Công ty Thái Hòa không có tiền trả phí nên các hợp đồng không phát sinh hiệu lực.
Tổng cộng, Vietcombank Hà Nội đã 21 lần giải ngân cho Công ty Thái Hòa cùng các doanh nghiệp liên quan với tổng số tiền hơn 184 tỷ đồng. Tính đến năm 2016, còn chiếm đoạt được hơn 127,5 tỷ đồng.
Đối với ông Nguyễn Xuân Luật và 2 cán bộ ngân hàng liên quan, tài liệu truy tố xác định, những người này đã có hành vi cho Công ty Thái Hòa vay vốn khi chưa được phê duyệt hạn mức tín dụng. Tuy nhiên vào thời điểm ấy, nhân sự của Hội đồng tín dụng Vietcombank Hà Nội có sự thay đổi, không đủ thành phần để họp thông qua nên Hội sở Vietcombank chưa phê duyệt giới hạn tín dụng mới đối với Công ty Thái Hòa.
Mặt khác, khi ký duyệt cho vay vốn, các cán bộ ngân hàng liên quan đã không biết doanh nghiệp của vợ chồng An lập khống hồ sơ, sử dụng tiền vay để trả nợ và do tin tưởng vào phương án kinh doanh cùng uy tín của doanh nghiệp… Do đó, các cơ quan tố tụng không đề cập xử lý bằng hình sự đối với ông Nguyễn Xuân Luật và những cán bộ ngân hàng liên quan.
Dù vậy, quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) và VKSND Tối cao đã thống nhất kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với những cán bộ ngân hàng liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của vợ chồng An.
Phiên tòa đã bị hõan do bị cáo Nguyễn Văn An phải nhập viện điều trị bệnh. Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, phiên tòa sẽ được mở lại trong vòng 1 tháng kể từ ngày hoãn tòa.