Nợ nghìn tỷ, Tập đoàn Thái Hòa bán dự án cho ngân hàng

Chủ tịch HĐQT Thái Hòa, ông Nguyễn Văn An cho biết, đã lên phương án bán công ty con để trả nợ, và về cơ bản các nhà băng đã đồng ý giúp Tập đoàn cơ cấu lại các khoản nợ.
Nợ nghìn tỷ, Tập đoàn Thái Hòa bán dự án cho ngân hàng
Theo biên bản cuộc họp ngày 26/5 của Tập đoàn Thái Hòa (THV) với đại diện các nhà băng, mới chỉ có các chi nhánh đồng ý gia hạn nợ cho THV và vẫn phải chờ ý kiến của ngân hàng mẹ. Vậy tới thời điểm này thì sao, thưa ông?
Chúng tôi vay vốn ở các chi nhánh, nên đầu tiên phải được các chi nhánh thông qua. Tất nhiên sau đó chi nhánh phải trình lên ngân hàng cấp trên để ký, nhưng đó chỉ là thủ tục thông thường. Về cơ bản chủ trương cơ cấu lại nợ đã được thông qua.
Trong báo cáo tài chính của Thái Hòa, con số nợ ngân hàng lên tới trên 1.200 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu lại rất thấp (300 tỷ đồng), ông lý giải thế nào về điểm này?
Con số 1.226 tỷ đồng là các khoản kê khai nợ, bao gồm cả nợ của công ty mẹ Thái Hòa và các đơn vị con. Trong đó, chỉ có 70% trong số đó là nợ quá hạn, tương đương khoảng hơn 800 tỷ đồng. Còn 30% vẫn là nợ bình thường và trong mức cấp vốn kinh doanh.
Thêm vào đó, tuy nợ cao hơn vốn chủ sở hữu nhưng hoàn toàn không phải vấn đề gì xấu và đây cũng không phải là nợ ngắn hạn thuần túy. Bởi trước đó, Thái Hòa dùng tài sản ngắn hạn để đầu tư vào trung và dài hạn nên làm cho số nợ này tăng cao.
Hiện các ngân hàng đã đồng ý gia hạn nợ cho Thái Hòa từ ngắn hạn thành trung và dài hạn thì các khoản nợ này sẽ được giải quyết. Hơn thế nữa, chúng tôi có tài sản tốt để thế chấp nên quan hệ của Thái Hòa với các nhà băng vẫn rất tốt đẹp.
Vietcombank, một trong 5 ngân hàng chủ nợ của Thái Hòa nói rằng Tập đoàn hoạt động quá dàn trải, nên giảm bớt quy mô và bán tài sản hoạt động ngoài ngành để trả nợ. Ông có ý kiến?
Về điểm này cần phải làm rõ một chút. Thứ nhất chúng tôi sẽ chỉ cơ cấu lại những tài sản hoạt động chưa hiệu quả chứ không phải bán những tài sản ngoài ngành. Bởi như khách sạn ở Quảng Trị chúng tôi làm ăn vẫn rất hiệu quả, tiền lãi cao hơn tiền gửi ngân hàng nên không nhất thiết phải bán.
Tuy nhiên, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ tạm thời đóng cửa một số dự án không hiệu quả. Ví dụ như công ty xây dựng và dự án ở Nghệ An.
Thái Hòa đã có bản chiến lược tổng thể về phát triển và kế hoạch trả nợ gửi các ngân hàng. Theo bản chiến lược này, chúng tôi tin rằng, sau khi được khoanh nợ và tái cấp vốn, trong vòng 3 năm sẽ trả hết nợ gốc hiện nay.
Kế hoạch bán tài sản để trả nợ ngân hàng đang được Tập đoàn triển khai tới đâu?
Maritime Bank đã đồng ý mua lại một dự án của chúng tôi, Thái Hòa Điện Biên, với giá hơn 40 tỷ đồng. Như vậy chúng tôi chỉ còn nợ Maritime Bank hơn 60 tỷ đồng. Bây giờ chúng tôi đang đàm phán tiếp với họ để bán 51% cổ phần một công ty cafe bên Lào, giá trị tài sản lên tới 200 tỷ đồng. Nếu thành công, thì khoản nợ với Maritime Bank coi như ổn thỏa. Thế chấp tại Maritime Bank lúc trước bằng hàng hóa, bây giờ chúng tôi đang thế chấp băng các vùng trồng cafe bên Lào.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện chúng tôi còn nợ 112 tỷ đồng. Về cơ bản họ đã đồng ý giải quyết cho Thái Hòa khoản nợ này. Đáng ra việc cơ cấu nợ cho Thái Hòa đã được nhà băng này ký rồi, nhưng Phó tổng phụ trách tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp lại đi công tác ở Mỹ nên họ hẹn lùi lại khoảng 10 ngày nữa ký.
Như vậy, khoản tiền 112 tỷ đồng, cộng với lãi 38 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nông nghiệp đồng ý khoanh lại. Đồng thời họ hứa cấp thêm 200 tỷ đồng nữa cho chúng tôi vay. Thế chấp tại Nông nghiệp thì bằng chính hàng hóa của chúng tôi.
Vậy còn Vietcombank, Habubank và ADB, Thái Hòa định giải quyết các khoản nợ tại 3 ngân hàng này thế nào?
Với Vietcombank, Thái Hòa hiện nợ 200 tỷ đồng vốn lưu động và 2 triệu USD vốn đầu tư cho dài hạn. Chúng tôi đang thế chấp Vietcombank một nhà máy ở Buôn Mê Thuột, trị giá khoảng 220 tỷ đồng. Như vậy, về cơ bản đã giải quyết được khoản nợ của Vietcombank.
Bên Habubank, Thái Hòa hiện nợ 138 tỷ đồng, thế chấp ở Habubank bằng một phần nhà máy ở Quảng Trị, một phần nhà máy ở Nghệ An. Chúng tôi đang đề nghị họ cơ cấu lại các khoản nợ và mời họ tham gia vào 3 dự án tại Hòa Bình, Sơn La và Quảng trị. Nếu họ đồng ý đầu tư vào 3 dự án này, thì khoản nợ với Habubank là hết.
Nhà máy ở Sơn La, chúng tôi đầu tư vào đó 50 tỷ đồng, bây giờ chúng tôi cần 30 tỷ đồng nữa để hoàn thiện và đi vào hoạt động. Sáu, bảy tháng nay, đội chuyên gia của Habubank đã nghiên cứu đánh giá hiệu quả sau khi nhà máy đi vào hoạt động để xem có thể cơ cấu cho khoản nợ của Thái Hòa không. Hiện, cả SHB cũng tham gia vào cùng đánh giá. Tất nhiên việc ký vẫn phải chở chủ tịch HĐQT của họ nhưng về cơ bản cả Habubank và SHB đã đồng ý phương án gia hạn nợ cho Thái Hòa.
Với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Tập đoàn Thái Hòa đang nợ 250 tỷ đồng, còn công ty mẹ nợ 108 tỷ đồng. Hiện, VDB đã đồng ý khoanh lại khoản nợ 250 tỷ đồng cho chúng tôi đồng thời hứa cho vay thêm. Tuy nhiên, VDB là ngân hàng 100% vốn Nhà nước, nên chỉ gia hạn được các khoản nợ thêm một năm, còn muốn gia hạn thêm trên một năm thì phải đợi sự đồng ý của Bộ Tài chính.
Tài sản thế chấp với VDB của Thái Hòa hiện nhiều hơn khoản nợ. Chúng tôi thế chấp bằng nhà máy ở Lâm Đồng với giá trị 416 tỷ đồng, khách sạn ở Quảng Trị, nhà máy ở Sơn La.


VNE

Tin cùng chuyên mục