Liên quan đến quản trị công ty (QTCT), năm 2017, điểm trong ASEAN của DN Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất trong số 6 quốc gia tham dự. Xin ông chia sẻ những vấn đề/điểm yếu lớn nhất trong QTCT của các DN nói chung? Vì sao nhiều DN Việt Nam mãi không tự nâng điểm QTCT lên được, thưa ông?
Nhận định trên hoàn toàn phù hợp với kết quả của thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) mà Việt Nam đã tham gia trong những năm vừa qua. Trong báo cáo đánh giá QTCT các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam năm 2018, mặc dù không áp dụng toàn bộ các câu hỏi như đánh giá của ACGS, điểm tối đa của các doanh nghiệp niêm yết chỉ đạt 75 điểm (trên tổng số tối đa 104 điểm).
Theo ACGS, mặc dù có tiến bộ qua từng năm nhưng điểm trung bình về QTCT của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan và Singapore (xem biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Điểm trung bình QTCT trong ASEAN.
Trong 5 lĩnh vực được đánh giá trong ACGS thì Việt Nam bị điểm thấp nhất trên 3 lĩnh vực: Lĩnh vực C: Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan; Lĩnh vực D: Công bố thông tin và Minh bạch; Lĩnh vực E: Trách nhiệm của HÐQT (xem biểu đồ 2).
Ngoại trừ các nội dung trong phần E (trách nhiệm của HÐQT), phần lớn các nội dung trong 5 lĩnh vực được đánh giá đều nằm trong “tầm kiểm soát” của doanh nghiệp. Bằng chứng là số điểm tối đa của các doanh nghiệp Việt Nam đã được gần xấp xỉ điểm tối đa của lĩnh vực đánh giá này. Riêng đối với phần E, điểm tối đa của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 24,53 điểm so với điểm tối đa là 40 điểm.
Những con số trên nói lên điều gì, thưa ông?
Thực tế có sự khác biệt về qui định của luật pháp tại Việt Nam và thực hành quản trị công ty tại Việt Nam so với thông lệ tốt nhất. Chẳng hạn, về cấu trúc quản trị của công ty, theo thông lệ cấu trúc quản trị của công ty ngoài HÐQT thì cũng sẽ bao gồm các ủy ban giúp việc cho HÐQT như Ủy ban Kiểm toán, Ủy ban Thù lao/Lương thưởng, Ủy ban Nhân sự.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, luật doanh nghiệp chỉ qui định sự tồn tại của Ban Kiểm toán Nội bộ. Cũng chưa nhiều công ty áp dụng thông lệ này. Tiếp đến là sự tồn tại của Kiểm toán nội bộ và hệ thống quản lý rủi ro.
ACGS có riêng một mục để đánh giá về kiểm toán nội bộ và giám sát rủi ro nhưng ở Việt Nam thì chỉ có các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm thực là được luật pháp yêu cầu thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro một cách chính thức. Thông lệ này chưa phổ biến ở các loại hình doanh nghiệp khác.
Về thành phần HÐQT, thông lệ yêu cầu khá cao về tỷ lệ thành viên HÐQT độc lập, tách biệt chức năng giữa chủ tịch HÐQT và Tổng giám đốc… Tuy nhiên, ở Việt Nam, quy định pháp lý cũng như mức độ đáp ứng các quy định pháp lý về nội dung này của các DN còn rất thấp.
Một trong những vấn đề khó khăn của cả nghìn DN đại chúng, DN niêm yết hiện nay là tổ chức HÐQT cân bằng và hiệu quả. Mới đây, 1 DN niêm yết đã phải công khai gửi thư nhờ cổ đông tìm giúp thành viên HÐQT độc lập vì 10 năm nay họ không làm được việc này. VIOD sẽ làm gì để góp sức gỡ khó cho DN?
Theo thông lệ quản trị công ty tốt nhất trên thế giới cũng như qui định tại Việt Nam, một hội đồng quản trị hiệu quả cần có đủ số lượng thành viên quản trị độc lập. Thực tế đã chứng minh vai trò và giá trị của thành viên HÐQT độc lập mang lại cho các tổ chức thông qua tính độc lập và kinh nghiệm của mình.
Ở Việt Nam, một trong những lý do chính dẫn đến việc chưa có đủ số lượng và chất lượng của thành viên HÐQT độc lập là do môi trường kinh doanh (gồm các cá nhân hành nghề, các doanh nghiệp đại chúng) chưa ghi nhận đây là một nghề.
Cùng sở hữu một lượng kiến thức như nhau nhưng nếu tham gia vào hoạt động của HĐQT sẽ rất khác so với tham gia vào điều hành
Ở nhiều nước trên thế giới, việc tham gia vào HÐQT với tư cách là một thành viên độc lập được coi như một nghề. Một cá nhân có thể tham gia HÐQT của nhiều hơn một công ty. Ở Việt Nam, mặc dù đã có những trường hợp như vậy nhưng chưa phải là nhiều.
Với sứ mệnh là thúc đẩy thông lệ quản trị công ty tốt và nâng cao tính chuyên nghiệp của các thành viên HÐQT, VIOD đã tiến hành nhiều chương trình đào tạo và chia sẻ kiến thức khác nhau nhắm đến đối tượng là thành viên HÐQT.
Trong năm 2019, chúng tôi có hai chương trình chuyên sâu hướng tới đối tượng là các thành viên HÐQT bao gồm:
(i) Chương trình DCP (Director Certification Program) hướng tới việc cung cấp cho các thành viên HÐQT một khối lượng kiến thức nền tảng đầy đủ để các thành viên tham gia hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên HÐQT;
(ii) Các chương trình chuyên sâu của VIOD áp dụng cho các thành viên HÐQT chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Chẳng hạn chương trình Chuyên sâu về Ủy ban Kiểm toán (Audit Committee Master Program) áp dụng cho các thành viên HÐQT đồng thời là thành viên của Ủy ban Kiểm toán hoặc chương trình Risk Management Committee dành cho các thành viên HÐQT đồng thời là thành viên của Ủy ban Quản lý Rủi ro trực thuộc HÐQT.
Ngoài ra, VIOD cũng sẽ tổ chức các cuộc hội thảo/hội nghị khác có liên quan đến quản trị công ty nhằm thúc đẩy sự hiểu biết của các cá nhân và tổ chức liên quan đến quản trị công ty.
Không ít nhà đầu tư cá nhân từng gắn bó với hoạt động đầu tư từ nhiều năm, hiểu DN, hiểu ngành, hiểu thị trường, nhưng họ cứ đứng âm thầm bên ngoài DN. Trong sứ mệnh cải thiện chất lượng quản trị cho DN, VIOD có tính đến giải pháp nào để trang bị kiến thức và tận dụng năng lực của các nhà đầu tư không, thưa ông?
Nhà đầu tư cá nhân cũng là một trong số các nguồn cung cấp thành viên hội đồng quản trị độc lập cho các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, cần lưu ý rằng theo qui định tại Ðiều 151, luật Doanh nghiệp 2014, một thành viên độc lập cần đảm bảo không sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 1% tổng số cổ phần của quyền biểu quyết của công ty.
Chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư tham gia các chương trình đào tạo để nâng cao hiểu biết cũng như học hỏi và chia sẻ các kinh nghiệm về quản trị công ty với các cá nhân khác. Cần lưu ý rằng cùng sở hữu một lượng kiến thức như nhau nhưng nếu tham gia vào hoạt động của HÐQT sẽ rất khác so với tham gia vào điều hành. Do đó các nhà đầu tư cần hiểu rất rõ vai trò của mình với tư cách là một thành viên HÐQT (độc lập).
Năm 2019, là năm Việt Nam tiến một bước xa hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế khiến cơ hội cho DN nhiều hơn, nhưng áp lực cạnh tranh cũng gay gắt hơn. Hiện có nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa chất lượng quản trị công ty với sức cạnh tranh của DN chưa và theo ông, mối liên hệ này được hiểu như thế nào?
Theo tôi được biết thì hiện nay ở Việt Nam chưa có các nghiên cứu chính thức về mối liên hệ giữa chất lượng quản trị công ty với tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên ở trên thế giới có khá nhiều nghiên cứu về mối liên hệ này. Về cơ bản các nghiên cứu đều đưa đến kết luận là quản trị công ty tốt sẽ tạo ra các lợi thế cạnh tranh trong dài hạn đối với doanh nghiệp. Các lợi thế cạnh tranh có được do quản trị công ty tốt có thể được trên nhiều lĩnh vực nhưng tóm tắt lại thì có các lĩnh vực chính sau:
(i) Thu hút nhà đầu tư, đảm bảo kênh huy động vốn hiệu quả thông qua việc duy trì một hệ thống quản trị công ty hiệu quả;
(ii) Quản trị rủi ro tốt, giảm thiểu các bất ngờ, giảm thiểu các chi phí;
(iii) Tối ưu hóa hoạt động;
Bản thân việc duy trì một hệ thống quản trị công ty hiệu quả đã là một lợi thế cạnh tranh của một tổ chức so với tổ chức khác. Nếu nhiều DN có sự quyết tâm xây dựng HÐQT hiệu quả, sẽ không chỉ tốt cho chính DN và các bên liên quan, mà còn góp sức cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong đánh giá về QTCT trên trường quốc tế.