Đề cử thành viên hội đồng quản trị độc lập: Vì sao cổ đông nhỏ chưa “gặp nhau“?

(ĐTCK) Trong mùa đại hội cổ đông 2018, nhiều công ty đại chúng đã đưa nội dung đề cử thành viên hội đồng quản trị độc lập vào chương trình đại hội. Tuy nhiên, thực tế, chưa có nhiều đề cử thành viên hội đồng quản trị độc lập tại các đại hội, do cổ đông nhỏ của các doanh nghiệp này chưa “gặp được nhau”.
Việc có thêm thành viên HĐQT độc lập sẽ góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ Việc có thêm thành viên HĐQT độc lập sẽ góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, cơ cấu thành viên hội đồng quản trị của công ty niêm yết phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên là thành viên độc lập. Việc có thêm thành viên hội đồng quản trị độc lập sẽ góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của những cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ trong công ty.

Bởi thông thường, thành viên hội đồng quản trị độc lập là những người có kinh nghiệm, nhiệm vụ của họ là đưa ra các ý kiến độc lập về chiến lược cũng như bảo vệ sự công bằng cho cổ đông nhỏ và vì quyền lợi của các cổ đông.

Cũng theo Luật Doanh nghiệp, cổ đông, nhóm cổ đông đại diện cho tối thiểu 10% cổ phần có quyền đề cử thành viên hội đồng quản trị. Tỷ lệ này trong điều lệ của một số doanh nghiệp có thể thấp hơn, ở mức tối thiểu 5%.

Việc nhiều doanh nghiệp đưa nội dung đề cử thành viên hội đồng quản trị độc lập vào chương trình đại hội cổ đông cho thấy các doanh nghiệp đại chúng đã dần nâng cao nhận thức trong việc thực hiện quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Nghị định 71 so với thực hiện quy định này tại Thông tư 121 trước đây, nhưng vẫn chưa hội đủ điều kiện để điều này đi đến kết quả thực tiễn.

Vẫn có nhiều rào cản dẫn đến việc cổ đông nhỏ thiếu thông tin để có thể kết nối với nhau dồn đủ quyền đề cử. Các doanh nghiệp vẫn rất dè dặt trong việc chia sẻ thông tin doanh sách cổ đông cho các cổ đông. Hầu hết doanh nghiệp chỉ cho phép cổ đông đến trực tiếp doanh nghiệp để xem danh sách cổ đông, tuy nhiên với việc khó khăn trong di chuyển đến doanh nghiệp, hẹn gặp với người quản lý danh sách, thời gian tra cứu danh sách tại doanh nghiệp không đủ để cổ đông có thể thực hiện việc liên lạc, kết nối với các cổ đông khác.

Các nhân sự lãnh đạo doanh nghiệp có phần ngại tiếp xúc với các cổ đông nhỏ, một phần nhỏ do thiếu thời gian, nhưng phần lớn là do tâm lý tránh né các vấn đề khác biệt quan điểm giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ trong các việc cụ thể, có thể dẫn đến khó xử cho họ.

Thực tiễn này đòi hỏi phải có một diễn đàn đứng ra bảo vệ cổ đông nhỏ, dồn quyền của cổ đông nhỏ để bầu thành viên hội đồng quản trị độc lập. Việc có thành viên hội đồng quản trị độc lập giúp tổng hợp các ý kiến cổ đông nhỏ, chuyển tải các mong muốn của cổ đông nhỏ vào các quyết định quản trị doanh nghiệp. Diễn đàn này ngoài việc bảo vệ cổ đông nhỏ còn có vai trò kết nối các thành viên hội đồng quản trị độc lập để chia sẻ các kinh nghiệm trong nghề nghiệp quản trị công ty chuyên nghiệp.

Do các thành viên hội đồng quản trị độc lập dễ bị cô lập, lấn át bởi các cổ đông lớn nên họ cũng cần có sự liên kết với nhau để cùng tạo sức mạnh bảo vệ tính độc lập trong các quan điểm quản trị độc lập. Ngoài ra, cộng đồng gắn kết cũng cộng hưởng sức mạnh để bảo vệ cả cộng đồng cổ đông nhỏ nói chung và đóng góp về chính sách vĩ mô với cơ quan quản lý nhà nước.

Xu hướng trên thế giới hiện nay, những người làm thành viên hội đồng quản trị độc lập có thể hành nghề chuyên nghiệp. Họ làm việc theo cơ chế làm việc tự do (freelance), tạo sự chủ động và sáng tạo trong công việc, phù hợp với lĩnh vực quản trị luôn rất cần sự sáng tạo để đưa doanh nghiệp tiến lên những tầm cao mới.

Xu hướng này tất yếu sẽ phát triển tại Việt Nam, do vậy, cần có sự quan tâm tạo điều kiện để sớm hình thành một ngành nghề mới tại Việt Nam, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp Việt, nâng cao tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.  

Việc tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến, việc dồn phiếu bầu qua công nghệ tin học cũng cần được tiếp tục đầu tư và khuyến khích thực hiện để các cổ đông dễ dàng kết nối với nhau hơn và tiết kiệm chi phí cho xã hội. Việc áp dụng công nghệ vào quản lý mọi mặt trong xã hội đang mang lại những thay đổi to lớn, giảm chi phí quản lý, nâng cao năng suất lao động.

Ngày nay, mọi nguồn lực của doanh nghiệp từ tài chính, hạ tầng, thiết bị, nhân sự của doanh nghiệp đều có thể được quản lý qua công nghệ, giúp nâng cao đáng kể năng suất hoạt động. Việc tạo môi trường cho các cổ đông thực hiện quyền bỏ phiếu dễ dàng hơn rõ ràng là một cách tốt nâng cao chất lượng quản trị mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cổ đông và giữa cộng đồng cổ đông với nhau, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thu hút vốn đầu tư cho các dự án, kế hoạch mở rộng sản xuất – kinh doanh.

Nguyễn Sinh Dũng Thắng, Chuyên gia quản trị công ty

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục