Ở nhiều trường hợp khác, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp dường như khá gấp gáp thông qua việc bổ nhiệm người mới như thế. Chẳng hạn, ngày 1/6/2016, Hội đồng quản trị Cotecons thông qua việc từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Hoàng Xuân Chính nhiệm kỳ 2012-2017, đồng thời thông qua Nghị quyết về việc bổ nhiệm tạm thời ông Vũ Duy Lam vào Hội đồng quản trị Công ty.
Gần đây, tại CTCP Dược Hậu Giang (DHG), Hội đồng quản trị DHG chuẩn bị lấy ý kiến cổ đông về việc miễn nhiệm tư cách Thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Hoàng Nguyên Học (Chủ tịch Hội đồng quản trị) do nghỉ hưu theo chế độ tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và ông Lê Đình Bửu Trí (Phó chủ tịch Hội đồng quản trị).
Đồng thời, lấy ý kiến bầu bổ sung ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc SCIC tham gia Hội đồng quản trị Công ty. Trước đó, Hội đồng quản trị DHG đã phê chuẩn chức danh Thành viên Hội đồng quản trị đối với bà Đặng Thị Thu Hà, Phó trưởng Ban Đầu tư 3 của SCIC kể từ ngày 28/7.
Theo quy định tại Điều 96-Luật Doanh nghiệp 2014 thì việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Như vậy, trường hợp của DHG là đúng luật.
Tuy nhiên, nhìn vào trường hợp của Cotecons, không ít nhà đầu tư thắc mắc, nghị quyết về việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của Hội đồng quản trị các doanh nghiệp được ban hành đúng luật?
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán cho biết, doanh nghiệp hành động như vậy do căn cứ vào Điều 156-Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm trong các trường hợp: Không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 151 của Luật này; không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 6 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng; có đơn từ chức …”.
Về bổ nhiệm bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, Điều 11, Thông tư 121-2012/TT-BTC quy định, trong trường hợp một thành viên bị mất tư cách thành viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty, bị cách chức, miễn nhiệm, hoặc vì một lý do nào đó không thể tiếp tục làm thành viên, Hội đồng quản trị có thể bổ nhiệm người khác tạm thời làm thành viên theo quy định tại Điều lệ công ty. Việc bầu mới thành viên Hội đồng quản trị thay thế phải được thực hiện tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất.
Do đó, có thể hiểu việc Hội đồng quản trị bổ nhiệm thành viên khác là theo hướng dẫn của Thông tư 121. Tuy nhiên, Thông tư 121 đã hết hiệu lực từ 1/8/2017, trong khi Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty đại chúng không đề cập đến vấn đề này.
Như vậy, có thể thấy rõ, liên quan đến vấn đề này, các doanh nghiệp phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc không phải bổ nhiệm thay thế, mà để đến Đại hội đồng cổ đông gần nhất để bầu thành viên Hội đồng quản trị mới, hoặc phải lấy ý kiến cổ đông để bầu thành viên Hội đồng quản trị mới như trường hợp của Dược Hậu Giang.
Trừ một số trường hợp đặc thù theo Điều 156-Luật Doanh nghiệp, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông để bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp: Số thành viên Hội đồng quản trị bị giảm quá 1/3 so với số quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày số thành viên bị giảm quá 1/3; số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập giảm xuống, không bảo đảm tỷ lệ theo quy định tại Khoản 1, Điều 134 của Luật Doanh nghiệp.
Quy định của Luật Doanh nghiệp, theo một thành viên Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp 2014, là nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông. Trong nhiều trường hợp, các nhóm cổ đông khác có thể đề cử ứng viên mới có đủ năng lực để Đại hội đồng cổ đông thực hiện bầu, tránh trường hợp bổ nhiệm rồi và đưa ra đại hội như một “sự đã rồi”. Cũng có trường hợp, những ứng viên mà Hội đồng quản trị bổ nhiệm mới, đưa ra bầu lại tại Đại hội không đủ phiếu bầu.
Hiện nay, vẫn còn phổ biến tình trạng người đại diện vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp đồng thời được giới thiệu và trúng cử luôn ghế thành viên Hội đồng quản trị. Khi vị đại diện này đến tuổi nghỉ hưu, hoặc vì lý do gì đó phải thay thế, không còn là người đại diện vốn Nhà nước, cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lập tức cử người đại diện mới và nghiễm nhiên vị đại diện này thay thế cả ghế thành viên Hội đồng quản trị của vị đại diện cũ.
Cách bổ nhiệm như vậy vừa trái luật vì không được Đại hội đồng cổ đông bầu, vừa trái với thông lệ quản trị hiện đại trên thế giới, bởi đại diện vốn Nhà nước không nhất thiết phải ngồi Hội đồng quản trị. Nếu đại diện vốn không đủ năng lực, họ không nên được giới thiệu và bầu dồn phiếu cho vị trí quan trọng trên.
Giới chuyên gia nhận xét, trong trường hợp doanh nghiệp “xuôi chèo, mát mái” thì không có chuyện gì đáng nói. Tuy nhiên, nếu giữa các cổ đông có chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, chắc chắn những vi phạm sẽ bị đem ra mổ xẻ, dẫn đến khiếu kiện phức tạp.
Các chuyên gia khuyến cáo, Nghị định 71 đã có hiệu lực từ 1/8/2017, doanh nghiệp và Hội đồng quản trị các doanh nghiệp rất cần lưu ý để thực hiện đúng quy định về bầu cử, bổ nhiệm thành viên hội đồng quản trị, tránh những rắc rối không đáng có xảy ra.
Điều kiện tiên quyết cơ bản khi trao quyền cho Hội đồng quản trị của doanh nghiệp là tổ chức theo cách để Hội đồng quản trị đó có thể đưa ra các đánh giá thực sự khách quan và độc lập về hoạt động của doanh nghiệp, ở vị thế có thể giám sát Ban Điều hành và đưa ra quyết định chiến lược.
Tất cả các thành viên Hội đồng quản trị phải được đề cử thông qua một quy trình minh bạch và cần hiểu rõ rằng, họ có trách nhiệm hành động vì lợi ích cao nhất của doanh nghiệp với tư cách tập thể. Các thành viên Hội đồng quản trị không được hành động với tư cách là các cá nhân đại diện cho các nhóm cổ đông đề cử và bầu chọn họ.
(Theo hướng dẫn của OECD)