HNX “ra roi” với doanh nghiệp chậm minh bạch thông tin tài chính

(ĐTCK) Qua rà soát “sức khỏe” tài chính 6 tháng đầu năm nay của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đơn vị này phát hiện nhiều “bệnh” đáng chú ý, đồng thời kịp thời “kê đơn” chấn chỉnh.

CTCK đội sổ thua lỗ, giảm lãi

Kết quả tổng hợp hiệu quả kinh doanh của các công ty niêm yết trên HNX tính đến ngày 18/9/2019, do HNX vừa công khai cho thấy, có 338/357 doanh nghiệp niêm yết trên HNX công bố đầy đủ báo cáo tài chính soát xét bán niên đúng hạn (trừ 9 doanh nghiệp thay đổi niên độ kế toán gồm: VTL, GLT, CAP, MHL, IDV, SJ1, SLS, KTS, VDL công bố báo cáo tài chính các quý khác).

Theo số liệu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tại báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2019, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết HNX là 10.447,4 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 282 doanh nghiệp niêm yết có kết quả hoạt động kinh doanh lãi 6 tháng đầu năm 2019, với tổng giá trị lãi đạt hơn 11.139 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước; 56 doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ, tổng giá trị lỗ là 693,7 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đáng chú ý là có 4 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sau soát xét từ lãi thành lỗ là: CTCP Lilama 5 (LO5), CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (BII), CTCP Xây dựng số 9 (VC9), CTCP Xây dựng điện VNECO 1 (VE1).

Có 9/11 ngành có kết quả kinh doanh lãi bán niên năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 2 ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhất là ngành bất động sản, có tổng giá trị lợi nhuận sau thuế đạt 384,4 tỷ đồng, tăng 73,8% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp có tổng giá trị lợi nhuận sau thuế đạt 2.043,8 tỷ đồng, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Các doanh nghiệp góp phần lớn vào sự tăng trưởng lợi nhuận của ngành phải kể đến VCS, DGC, NTP, BCC. Nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận tăng là do doanh thu tăng, chi phí tài chính, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm, do sáp nhập các công ty con...

Đáng chú ý, trong các ngành có lợi nhuận sau thuế giảm mạnh nhất cũng có tên ngành công nghiệp (12 doanh nghiệp) với tổng giá trị lỗ 244,9 tỷ đồng.

Ngành tài chính có 4 doanh nghiệp lỗ, với tổng giá trị lỗ 158,3 tỷ đồng, 12/22 doanh nghiệp trong ngành này có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước...

Theo HNX, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh giảm nhiều nhất, cũng như thua lỗ nhiều nhất thuộc nhóm các công ty chứng khoán (CTCK) gồm: CTCK Phố Wall (WSS), CTCK Sài Gòn- Hà Nội (SHS), CTCK IB (VIX), CTCK Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VIG), CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APS).

Nguyên nhân thua lỗ, lợi nhuận suy giảm mạnh chủ yếu là do các CTCK ghi nhận lỗ từ hoạt động đầu tư tài chính, đánh giá lại giá trị hợp lý của các khoản đầu tư tài chính...

HNX “ra roi”

HNX đã đưa nhiều cổ phiếu vào danh sách bị cảnh báo, kiểm soát, không được margin.   

 Tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định về minh bạch thông tin tài chính luôn là mối quan ngại của các nhà đầu tư, bởi ẩn họa những rủi ro khôn lường cả với họ cũng như thị trường. Trên thực tế thời gian qua, không ít doanh nghiệp chậm minh bạch thông tin tài chính vì kết quả không “đẹp”.

Bởi vậy, trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá việc tuân thủ quy định về công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2019, HNX đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý.

Theo đó, HNX đã xem xét đưa vào danh sách chứng khoán bị cảnh báo đối với 19 doanh nghiệp, do chậm hoặc chưa nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 quá 15 ngày so với quy định; kiểm soát hoặc đưa vào danh sách chứng khoán không được giao dịch ký quỹ đối với 34 doanh nghiệp chậm hoặc chưa nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 quá 5 ngày và 39 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế/lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm, 11 doanh nghiệp có báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 không được tổ chức kiểm toán chấp thuận toàn phần.          

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục