Đủ kiểu vi phạm
Chỉ tính từ đầu tháng 3/2019 đến nay, hàng chục trường hợp bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) xử phạt do các sai phạm liên quan đến minh bạch thông tin. Cả cá nhân lẫn tổ chức đều mắc lỗi này. Đáng nói là các cá nhân sai phạm đa phần liên quan đến nhân sự lãnh đạo, hoặc những người có liên quan đến lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp.
Chẳng hạn, mới đây, Thanh tra UBCK đã phạt ông Võ Đắc Thiệu, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại lý giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (TCL) 15 triệu đồng do không báo cáo UBCK, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về dự kiến giao dịch mua 26.050 cổ phiếu TCL từ ngày 19/10/2018 đến ngày 23/10/2018.
Hay UBCK phạt bà Trần Thị Yến, thành viên Ban kiểm soát Công ty cổ phần Xây lắp Cơ khí và Lương thực Thực phẩm (MCF) 12,5 triệu đồng, vì báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện hết khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch. Theo đó, bà Yến đăng ký mua 30.000 cổ phiếu MCF từ ngày 13/2/2018 đến ngày 5/3/2018 (thực tế khớp lệnh 1.000 cổ phiếu), nhưng đến ngày 9/3/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới nhận được báo cáo về lý do không thực hiện hết khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch của bà Yến.
Về những sai phạm của người có liên quan đến ban lãnh đạo công ty, UBCK phạt bà Kiều Thị Nhung (phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) 45 triệu đồng, vì không báo cáo về dự kiến giao dịch cổ phiếu. Theo đó, ngày 24/4/2018, bà Kiều Thị Nhung, người liên quan với ông Kiều Văn Cường, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường (SCL) đã mua 1.168.760 cổ phiếu SCL, nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch với UBCK và HNX.
Nhiều tổ chức vi phạm cũng bị UBCK phát hiện và xử phạt. Vừa qua, UBCK đã phạt Công ty cổ phần Kỹ thuật điện Sông Đà (SDE) 85 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Theo đó, SDE không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của HNX và UBCK các tài liệu: báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán, báo cáo tài chính quý I và II/2018, báo cáo tài chính bán niên 2018 đã được soát xét, báo cáo thường niên 2017… SDE được biết đến là điển hình của tình trạng thất hứa trả cổ tức đến mức khó tin, khi vào cuối năm 2018, Công ty có tới 14 lần thay đổi ngày trả cổ tức năm 2011 - 2012 do không có nguồn chi trả. Mới đây, do làm ăn thua lỗ 3 năm liên tiếp (từ năm 2015 - 2017), SDE đối mặt với bị hủy niêm yết.
Đánh giá về thực trạng công bố và minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, UBCK cho biết, về cơ bản, các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin và quản trị công ty theo quy định. Tỷ trọng vi phạm về minh bạch thông tin trong tổng vi phạm giảm từ 86,7% năm 2013 xuống còn 60,7% vào năm 2016.
Tuy nhiên, hiện số lượng vi phạm về báo cáo và công bố thông tin luôn chiếm trên 50% tổng số vi phạm bị xử phạt. Các lỗi vi phạm phổ biến trong minh bạch thông tin gồm: công bố thông tin không chính xác, đầy đủ; công bố thông tin, báo cáo không đúng hạn, kịp thời; không công bố thông tin, báo cáo các thông tin quan trọng, bất thường... Những vi phạm này có ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Giải pháp nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp
Theo ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc phát triển quan hệ và đối ngoại, Quỹ đầu tư Dragon Capital, doanh nghiệp nên áp dụng các nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty nói chung, cải thiện tính minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp nói riêng, bao gồm: đảm bảo cơ sở cho một khuôn khổ quản trị công ty hiệu quả; đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đối xử công bằng với cổ đông; công bố thông tin và minh bạch; trách nhiệm của hội đồng quản trị…
“Thay đổi tư duy, xây dựng và thúc đẩy văn hóa minh bạch, đối thoại cởi mở là một thách thức lớn đối với các nhà quản trị trong quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, muốn cải thiện chất lượng minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, hội đồng quản trị của công ty cần thể hiện cam kết cao để hướng công ty đến văn hóa đối thoại cởi mở hơn với các cổ đông, nhà đầu tư tiềm năng”, ông Vinh khuyến nghị.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Lê Group of Companies cho rằng, giá cổ phiếu tăng hoặc giảm chủ yếu là do tác động của diễn biến kinh tế vĩ mô, quy luật cung - cầu của thị trường, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, tâm lý của nhà đầu tư, thông tin gây nhiễu trên thị trường.
Để cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp, tạo được niềm tin trong giới đầu tư, điều quan trọng là doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao tính minh bạch trong hoạt động. Muốn thế, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin; cởi mở, tiếp nhận cái mới. Triển khai truyền thông minh bạch để đạt được sự đồng thuận của cổ đông. Thiết lập niềm tin, tình cảm thương mến, hỗ trợ, tham gia của cộng đồng...
Liên quan đến hướng hành động của nhà quản lý nhằm dần xóa “khoảng tối” về minh bạch thông tin, ông Điền cho hay, UBCK sẽ đánh giá các quy định hiện hành về công bố thông tin để có hướng hoàn thiện song song với quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán đang được thúc đẩy.
Cơ quan quản lý còn tập trung giám sát, phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, vi phạm về nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin của thành viên thị trường, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán. Qua đó, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính, khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các doanh nghiệp niêm yết, lập và công bố thông tin báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.