Công bố thông tin, doanh nghiệp còn bối rối

(ĐTCK) Trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn, nhưng minh bạch thông tin còn hạn chế và rủi ro tiềm ẩn từ quản trị công ty có thể ảnh hưởng đến mức độ ổn định của vốn đầu tư vào thị trường. Vì thế, cơ quan quản lý đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện công tác này.
Công bố thông tin, doanh nghiệp còn bối rối

Ngày 22/2/2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cùng các đơn vị hỗ trợ đã tổ chức buổi tập huấn về thẻ điểm quản trị công ty và các vấn đề công bố thông tin (CBTT) trên báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững dành cho doanh nghiệp niêm yết.

Ðây là hoạt động của Ban tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết hiểu thêm về tiêu chí đánh giá, các vấn đề liên quan đến lập báo cáo, cũng như hướng đến việc cải thiện hoạt động quản trị công ty tại doanh nghiệp. 

Một số điểm cần lưu ý

Bà Trần Anh Ðào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, kết quả Cuộc bình chọn VLCA năm 2018, cơ cấu điểm của các doanh nghiệp chia theo mức vốn hóa lớn, vừa và nhỏ có sự khác biệt rõ nét. Nhóm doanh nghiệp quy mô lớn có mức điểm trung bình và điểm các phần đều cao hơn.

Một số ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp chậm công bố thông tin đã ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông. Do đó, cơ quan quản lý nên có các hình thức khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với đơn vị vi phạm.

Chất lượng báo cáo nhóm vốn hóa vừa tương đối đồng đều. Nhóm vốn hóa nhỏ vẫn còn khoảng cách khá xa với hai nhóm trên và có sự phân hóa trong nhóm. Ðiều này cho thấy sự đầu tư không đồng đều trong việc lập báo cáo và công bố thông tin.

Bà Nguyễn Thu Hiền, Trung tâm Nghiên cứu khoa học, Ðại học Bách khoa chia sẻ, trải qua 5 năm tham gia dự án Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN của thị trường vốn khu vực ASEAN với sự hỗ trợ của Công ty Tài chính Quốc tế từ năm 2012, thị trường Việt Nam có những bước tiến trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nhưng điểm số còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực (Malaysia, Singapore, Phillipines, Thái Lan và Indonesia).

Việc nâng cao thực hành quản trị và công bố thông tin tốt trên toàn thị trường ở tất cả các lĩnh vực quản trị công ty vẫn cần nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp và các bên liên quan.

Ðối với nội dung báo cáo phát triển bền vững, ông Nguyễn Viết Thịnh, đại diện nhóm chấm báo cáo này khẳng định, định hướng và cam kết mạnh mẽ từ hội đồng quản trị doanh nghiệp có tầm quan trọng trong việc cải thiện chất lượng báo cáo của doanh nghiệp.

Mặt bằng chung, chất lượng tổng thể báo cáo năm 2018 tốt hơn hẳn so với 6 năm trước, nhưng vẫn còn tồn đọng một số điểm có thể hoàn thiện hơn. Chẳng hạn, quy trình kiểm tra và ra soát nội dung, phân tích tổng hợp dữ liệu lượng hóa và hiện trạng các doanh nghiệp chưa gắn kết rõ ràng chiến lược phát triển bền vững với chiến lược kinh doanh dài hạn. 

“Bối rối” với cấu trúc hội đồng quản trị và thành viên độc lập

Ðại diện Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) chia sẻ, Công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đủ thành viên hội đồng quản trị (HÐQT) độc lập đúng nghĩa, hiện mới đáp ứng được 1/5 là thành viên HDQT độc lập, chưa đạt yêu cầu tối thiểu. BMP đã nhận được công văn nhắc nhở từ HOSE, nhưng Công ty chưa tìm ra giải pháp.

Theo thống kê trên HOSE, hiện có khoảng 18% doanh nghiệp chưa tìm được thành viên HÐQT độc lập. Bà Ðào cho biết, HOSE đang dừng ở mức nhắc nhở doanh nghiệp và báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thông tin này chưa công khai trên website của HOSE, nhưng sau mùa đại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) năm nay, Sở sẽ thực hiện rà soát và có thể công khai danh sách các doanh nghiệp chưa tuân thủ.

Trong mùa ÐHCÐ 2017 - 2018, nhiều doanh nghiệp thay đổi cơ cấu quản trị từ mô hình ban kiểm soát sang mô hình tiểu ban kiểm toán (tên gọi khác là ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HÐQT). Thay đổi này đến từ sự tự nguyện, nhưng cũng là để thực hiện theo quy định.

Một số doanh nghiệp băn khoăn, công ty đã thành lập tiểu ban kiểm toán trực thuộc HÐQT trong năm qua, nhưng chưa có nhiều hoạt động. Vậy khi chưa có nhiều nội dung để thực hiện báo cáo riêng thì hoạt động của tiểu ban kiểm toán có thể gộp chung vào báo cáo của HÐQT hay không?

Bà Ðào cho rằng, tiểu ban kiểm toán do một thành viên HÐQT độc lập phụ trách, nên hoạt động của thành viên này phải có báo cáo riêng. Vì vậy, không thể gộp chung với báo cáo hoạt động của HÐQT.

Còn theo bà Hiền, cấu trúc HÐQT các nước trong khu vực (ngoại trừ Indonesia có nét tương đồng với Việt Nam) không có ban kiểm soát tách rời như Việt Nam, mà duy trì ban kiểm toán là thành phần của HÐQT (vai trò, chức năng tương tự ban kiểm soát).

Mô hình mới tại Việt Nam không có ban kiểm soát, thay vào đó là tiểu ban kiểm toán; vai trò, trách nhiệm của tiểu ban kiểm toán tương tự ban kiểm soát trước kia và trở thành một thành phần của HÐQT. Do đó, tiểu ban kiểm toán phải tương tác với các thành viên khác trong HÐQT tốt hơn.

Chưa kể, trong báo cáo của HDQT theo Nghị định số 71/2017/NÐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng phải có báo cáo hoạt động riêng của các thành viên HÐQT độc lập.

Hoàng My

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ