Hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc: Doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng

Những tin vui cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ngay trong những ngày đầu năm, báo hiệu một năm xuất khẩu suôn sẻ.
Xuất khẩu tiểu ngạch sẽ gánh chịu nhiều rủi ro. Trong ảnh: Hàng hóa chờ xuất tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh) Xuất khẩu tiểu ngạch sẽ gánh chịu nhiều rủi ro. Trong ảnh: Hàng hóa chờ xuất tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh)

Nông sản sẽ đi đường thẳng

Sau 3 năm cố gắng đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ nhà nhập khẩu, Công ty CP Vinamit đã đón tin vui ngay trong những ngày đầu năm 2019, khi Trung Quốc cấp chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm mít hữu cơ (gồm mít tươi và mít sấy) của Vinamit để rộng đường xuất khẩu chính ngạch.

Với tấm “giấy thông hành” này, từ nay, sản phẩm nông sản hữu cơ cao cấp của Vinamit sẽ đàng hoàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit cho hay, cách chứng nhận của Trung Quốc hoàn toàn khác các quốc gia khác trên thế giới, khó khăn hơn, nhiêu khê hơn, chi tiết hơn nhiều và đó là lý do khiến Công ty phải đi một chặng đường dài để có được tấm giấy thông hành này.

Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 93,69 tỷ USD.

Năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,78 tỷ USD, tăng 5,03% so với năm 2017.

(nguồn Tổng cục Hải Quan)

“Dù Vinamit đã được cấp chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ và EU và vẫn đang đều đều xuất hàng qua các thị trường khó tính nhất hạng đó, nhưng Vinamit vẫn phải đăng ký lại từ đầu để được hướng dẫn thực hành tiêu chuẩn hữu cơ trong 3 năm liên tiếp và phải tiếp nhận kiểm tra nghiêm ngặt của đoàn đánh giá chứng nhận hàng năm”, ông Viên cho biết.

Theo lãnh đạo Vinamit, phía Trung Quốc chỉ đánh giá chứng nhận những cây đã có trái và có thể thu hoạch, kiểm tra ngay tại nông trang, trực tiếp đếm thực tế tổng số cây và sản lượng trái và chỉ cấp chứng nhận cho đúng diện tích trồng, số cây và sản lượng trái tương ứng. Những loại cây khác của Vinamit (thơm, chuối...) dù trồng trên đất và phương pháp, quy trình "y chang" như mít, mà không có trái đúng dịp họ kiểm tra thì họ cũng không chứng nhận.

Giấy chứng nhận hữu cơ đầu tiên của Việt Nam mà Vinamit nhận được là kết quả của quyết tâm theo đuổi xuất khẩu chính ngạch, nay có thể coi là bước đột phá thành công mở ra thị trường xuất khẩu rất quan trọng là Trung Quốc.

Tham vọng đưa nông sản Việt xuất khẩu theo đường chính ngạch được Nafoods Group cụ thể hóa bằng việc bắt tay với doanh nghiệp nước bạn.

Nafoods Group đã ký thỏa thuận với Công ty TNHH Trái cây Nongfu Thượng Hải để phân phối hơn 150.000 tấn trái cây tươi giai đoạn 2019 - 2020 tại thị trường Trung Quốc. Trong liên kết này, Nongfu sẽ hỗ trợ Nafoods trong việc phát triển sản phẩm quả tươi cho riêng thị trường Thượng Hải.

Nafoods sẽ cung cấp công nghệ cho Nongfu và Nongfu sẽ hỗ trợ việc thực hiện chuỗi cung ứng minh bạch 100% của Nafoods từ cảng của Nongfu tới điểm phân phối cuối cùng.

Thị trường không còn dễ tính

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, nhưng giờ đây, thị trường này đang siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, với yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Yêu cầu mới này buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi lại cách sản xuất, nâng cao chất lượng để đi đường dài.

Chơ tới thời điểm hiện tại, hầu hết trái cây tươi đều có thể đi qua Trung Quốc bằng đường biên mậu, tuy nhiên, 8 loại trái cây là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm được Việt Nam xuất khẩu chính ngạch.

"Những mặt hàng chỉ xuất khẩu qua đường biên mậu sẽ gặp nhiều khó khăn khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát biên giới", ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo.

Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2017-2020, chiếm 15,1% tổng tiêu thụ thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU và Mỹ. Đặc biệt, thị hiếu người tiêu dùng với các loại rau quả nhiệt đới đang gia tăng.

Trong gần 3,9 tỷ USD giá trị xuất khẩu của ngành rau quả trong năm 2018, kim ngạch tại thị trường Trung Quốc ước đạt 2,8 tỷ USD đã cho thấy, để không ảnh hưởng tới kết quả xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành rau quả phải đặt ra bài toán đầu tư bài bản để chinh phục thị trường này.

Là doanh nghiệp xuất khẩu trái thanh long tươi sang Trung Quốc từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến nông sản Cát Tường (An Giang) cho hay, để xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch, doanh nghiệp phải đầu tư vùng nguyên liệu, đảm bảo quy trình sản xuất, truy xuất được xuất xứ... Xuất khẩu trái cây chính ngạch sẽ khiến chi phí cao hơn.

Đó là lý do được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods Group chia sẻ, để làm lớn và nâng cao giá trị cho nông sản thì buộc phải đi đường thẳng, theo đó, cách mà  Nafoods Group làm là liên kết với doanh nghiệp tại thị trường xuất khẩu để đưa hàng vào sâu nội địa.

“Xuất khẩu chính ngạch không chỉ hạn chế được những rủi ro so với xuất tiểu ngạch, mà xuất đường chính ngạch còn khiến hàng hóa Việt Nam có thêm động lực để cải thiện chất lượng và tiệm cận với tập quán thương mại quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh”, Chủ tịch Nafoods Group nói.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục