Tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi, hội hè còn tồn tại ngay với lãnh đạo doanh nghiệp

Xuất khẩu đóng vai trò trọng yếu trong tăng trưởng kinh tế. “So với tháng 1/2018, thì tháng 2 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, nhưng năm nay, nhiều khả năng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như năm 2017, vì xuất khẩu giảm trong tháng 2 chỉ là nhất thời”, TS. Đỗ Văn Sinh, thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bình luận.

Sau khi tăng trưởng ấn tượng trong tháng 1, sang tháng 2, kim ngạch xuất khẩu bất ngờ giảm mạnh. Ông có nghĩ rằng, hoạt động xuất khẩu đã có dấu hiệu đuối sức?

Kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2018 đạt 20.220 triệu USD, cao hơn 566 triệu USD so với tháng 12/2017 và tăng tới hơn 40% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, sang tháng 2, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13.400 triệu USD, đúng là giảm rất mạnh so với tháng trước đó, nhưng so với cùng kỳ năm 2017, vẫn tăng 2,4%.

Tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi, hội hè còn tồn tại ngay với lãnh đạo doanh nghiệp ảnh 1

TS. Đỗ Văn Sinh, thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. 

Tôi cho rằng, kim ngạch xuất khẩu tháng 2 vừa qua giảm chỉ là nhất thời, khách quan do yếu tố mùa vụ. Cụ thể, tháng 2 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nên hầu hết doanh nghiệp tập trung thực hiện các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2.

Ông khẳng định hoạt động xuất khẩu sẽ sớm phục hồi đà tăng trưởng?

Đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu phải nhìn nhận trong khoảng thời gian dài, trong khoảng thời gian đó cũng có thời điểm tốc độ tăng trưởng giảm vì lý do nào đó, nhưng quan trọng là tính trong cả thời gian dài, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt và vượt mục tiêu.

Đơn cử, trong 2 tháng đầu năm, dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 2 giảm rất mạnh so với tháng 1,  nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là mức tăng trưởng thực sự ấn tượng, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ này thì sẽ bảo đảm GDP đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% như Chính phủ đặt ra.

Tôi tin rằng, năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có khả năng vượt năm 2017 (tăng hơn 21%) vì sau 2 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vô cùng ấn tượng như điện thoại và linh kiện tăng 41,7%; hàng dệt may tăng 22,3%; điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản… đều tăng trên 19%.

Nếu như năm 2017, xuất khẩu rau quả là điểm sáng nhất với kim ngạch đạt 3.517 triệu USD, thì rất đáng mừng, 2 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả vẫn đạt được “phong độ”, đem về 604 triệu USD, tăng 43,4% so cùng kỳ 2017.

Nhưng tháng 3 là tháng sau Tết Nguyên đán, tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” tác động rất lớn tới hoạt động kinh tế nói chung, xuất khẩu nói riêng, thưa ông?

Tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi, hội hè vẫn còn trong xã hội, không chỉ người dân, mà cả lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tâm lý này giảm dần, nhất là năm nay, Chính phủ đề ra phương châm hành động:

“Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, nên ngay ngày làm việc đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Qua hơn 10 ngày làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cho thấy, dù vẫn còn chỗ này, chỗ kia vẫn có tâm lý ăn chơi, xả hơi, hội hè, nhưng về cơ bản các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và người dân đã bắt tay ngay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với đà tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018, cộng với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi tin rằng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất trong tháng 3 sẽ phục hồi.

Với các chính sách mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, liệu thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam này có gặp trở ngại không, thưa ông?

Sau khi đắc cử Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã có hàng loạt quyết định, như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại nhiều hiệp định thương mại mà Hoa Kỳ đã ký kết với các đối tác trước đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%... Trước những động thái này, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại hàng Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Nhưng đến thời điểm này, những lo ngại trên vẫn chưa xuất hiện, thậm chí, trong 2 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ vẫn là bạn hàng nhập khẩu thứ hai của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc), với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đạt 6 tỷ USD, tăng 14%.

Còn trước đó, năm 2017 - năm đầu tiên Tổng thống Donald Trump cầm quyền, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất khẩu 41,5 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2016.

Thưa ông, khi Hoa Kỳ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21%, nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam sẽ quay trở lại đầu tư tại Hoa Kỳ. Điều này xảy ra không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu, mà có thể còn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP, đang đàm phán lại NAFTA (Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ), dựng rào cản thương mại với các đối tác lớn, nên đầu tư tại Hoa Kỳ chưa chắc hấp dẫn hơn các nước khác, vì hàng hóa sản xuất tại Hoa Kỳ khi xuất khẩu cũng sẽ bị các nước khác đối xử như Hoa Kỳ đối xử với hàng hóa sản xuất từ nước họ xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Việt Nam cùng với 10 đối tác khác sẽ ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tháng 3 này. CPTPP với 11 quốc gia, chiếm hơn 13% GDP toàn cầu, là một thị trường tự do đầy “ma lực” với các tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy, tôi cho rằng, không dễ gì doanh nghiệp từ bỏ hoạt động đầu tư tại các quốc gia trong CPTPP.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục