Điểm danh thị trường xuất khẩu chục tỷ USD
Tính đến cuối năm 2017, trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với nước ta, 4 thị trường chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu hàng Việt Nam lần lượt là Mỹ (41,5 tỷ USD), Trung Quốc (35,3 tỷ USD), Nhật Bản (16,8 tỷ USD), Hàn Quốc (15 tỷ USD).
Bộ Công thương nhận định, đây tiếp tục là những thị trường lớn, có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực và xuất khẩu của toàn nền kinh tế trong năm 2018.
Hoàn thành kim ngạch xuất khẩu 31 tỷ USD cho cả năm 2017, tăng 10,6% trong bối cảnh nhiều quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ giảm lần lượt 1,2%, 1,32% và 4%, ngành dệt may “thấm thía” hơn cả về vai trò thị trường trụ cột trong tăng trưởng xuất khẩu ngành.
Bốn thị trường lớn nhập khẩu hàng hóa Việt Nam vượt 10 tỷ USD kể trên đều nằm trong Top 6 thị trường xuất khẩu vượt 1 tỷ USD của dệt may. Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phân tích, xuất khẩu 31 tỷ USD, thì hơn 15 tỷ USD vào Mỹ, trong đó hơn 12,5 tỷ USD là quần áo và 3 tỷ USD là những mặt hàng khác. Mỹ đang chiếm 48-50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may.
Phân tích kỹ để thấy, chỉ cần biến động từ một trong số những thị trường chủ lực sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.
Với thị trường Trung Quốc, dù giá trị xuất khẩu chỉ bằng 1/5 so với Mỹ, nhưng chỉ tính riêng trong số 3,6 tỷ USD thu về từ xuất khẩu xơ sợi, thị trường này góp tới 2/3. Còn tính đủ cả xơ sợi và hàng may mặc, năm qua, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 3,2 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, hàng hóa xuất khẩu trong nước vẫn đang khai thác thêm thị trường xuất khẩu mới, nhưng không thể có được mức tăng ấn tượng nếu thiếu vắng đi một trong những thị trường có mức xuất khẩu từ chục tỷ USD trở lên.
Chờ đợi vào những thị trường có FTA
Kết quả xuất khẩu tăng trưởng cao trong cả năm 2017, trong đó duy trì mức tăng trưởng khả quan ở nhiều thị trường lớn cho thấy, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt lợi thế có được từ cam kết cắt giảm thuế quan từ các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Với mặt hàng thủy sản, trong năm 2017, xuất khẩu thủy sản sang EU ước đạt 1,47 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, thì sang năm 2018, dẫu còn những vấn đề về thẻ vàng của EU với đánh bắt trên biển, nhưng EU vẫn được xác định là thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Sự tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường EU chủ yếu là nhờ mặt hàng tôm.
Trong khi đó, dễ thấy hơn cả là ngành hàng da giày, đã đóng góp 17 tỷ USD trong năm qua, vẫn xác định thị trường lớn Mỹ, EU, Nhật Bản…
Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, triển vọng phát triển của ngành da giày trong năm 2018 nhiều khả năng sẽ có sức bật tốt hơn so với năm 2017, nhờ có nhiều yếu tố thuận lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018.
Cùng với đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất Mỹ đang thúc đẩy thông qua một dự luật về thuế quan. Dự luật này sẽ cắt giảm thuế quan đối với một số dòng sản phẩm nhập khẩu. Từ đó, Lefaso xác định, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành, chiếm 34% tổng kim ngạch, tiếp đến là EU, Nhật Bản. Ngoài ra, xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định.
Trong khi đó, đại diện cho ngành công nghiệp dệt may, đặt mục tiêu xuất khẩu 35 tỷ USD trong năm 2018 cho rằng, từ thực tế hoạt động, việc có các FTA thế hệ mới đều có thúc đẩy tốt cho xuất khẩu.
Đơn cử, thời gian qua, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP), ngành đã dự liệu tăng trưởng vào Mỹ thấp đi trong những năm tới. Nhưng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ra đời, đó là động lực rất quan trọng cho các ngành xuất khẩu.
“Một thị trường lớn trong CPTPP mà hiện nay ta khai thác không nhiều là Australia, nước tiêu thụ hàng dệt may lớn, nhưng thị phần hàng dệt may Việt Nam tại thị trường này hiện không đáng kể, còn dư địa để tăng xuất khẩu”, ông Lê Tiến Trường nói.
Cũng theo ông Trường, một thị trường trong Liên minh Kinh tế Á - Âu là Liên bang Nga, đã có mức tăng trưởng xuất khẩu rất tốt trong năm 2017. Với lượng tiêu dùng hàng dệt may 15-16 tỷ USD, việc xuất khẩu dệt may vào Nga lên 1 tỷ USD là không quá xa vời. Đây là những dư địa để tăng trưởng xuất khẩu.