Nâng cao chất lượng hàng Việt: Điểm sáng xuất khẩu 2018

(ĐTCK) Trong bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh năm 2017, lĩnh vực xuất khẩu đã để lại dấu ấn đậm nét khi kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD. Theo đó, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm 2018, với trọng tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nâng cao chất lượng hàng Việt: Điểm sáng xuất khẩu 2018

Tăng trưởng xuất khẩu, điểm sáng 2017

Báo cáo thống kê của Bộ Công thương cho thấy, ở tất cả thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận mức tăng trưởng cao, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có sự tăng trưởng trở lại. Chẳng hạn, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu gần 32 tỷ USD, xuất khẩu nông - thủy sản đạt gần 37 tỷ USD, trong đó riêng nông sản đạt hơn 19 tỷ USD, cao hơn kim ngạch xuất khẩu dầu thô…

“Do đó, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tức tăng trưởng tới 21%”, báo cáo nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn đang ở mức thấp, nhiều thị trường quay trở lại xu hướng bảo hộ hàng hóa trong nước, hạn chế nhập khẩu, thì con số tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là rất ấn tượng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Xuất khẩu tăng trưởng cao giúp thặng dư thương mại đạt 2,7 tỷ USD. Đây là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cân đối các yếu tố vĩ mô khác của nền kinh tế”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thành công của lĩnh vực xuất khẩu cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao. Ông cho rằng, xuất khẩu chính là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm qua, với 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

“Tôi mong chúng ta sẽ có 50 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong thời gian tới”, Thủ tướng kỳ vọng.

Nhìn lại diễn biến tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn 2014-2017 có thể thấy, 2017 là năm lĩnh vực này ghi nhận nấc thang tăng trưởng mới. Cụ thể, mức tăng trưởng 21% của năm 2017 cao gấp 1,5 lần của năm 2014 (đạt 13,6%), gấp 3 lần con số của năm 2015 (đạt 7,9%) và 2,3 lần của năm 2016 (đạt 9%).

Dựa trên nền tảng tăng trưởng này, nhiều ngành, lĩnh vực tự tin trong việc xác định mục tiêu xuất khẩu năm 2018, chẳng hạn như nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, dệt may đạt 34 tỷ USD, da giày đạt 20 tỷ USD, thủy sản đạt 9 tỷ USD…

Rốt ráo tháo gỡ rào cản thương mại

Theo các chuyên gia trong ngành, xuất khẩu Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong năm qua là nhờ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh như nông sản, dệt may, da giày, thủy sản, linh kiện điện tử… Cùng với đó là sự đồng hành, rốt ráo cùng doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các bộ, ban ngành liên quan.

Nhìn lại năm 2017, con tôm của Việt Nam rất lao đao trên trường quốc tế. Úc ban hành lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu các sản phẩm tôm và thịt tôm chưa nấu chín, tôm và thịt tôm chưa nấu chín được tẩm ướp gia vị dùng làm thực phẩm... Sau đó, tôm Việt tiếp tục gặp khó khăn ở Hàn Quốc khi chính phủ nước này bổ sung mặt hàng tôm ướp lạnh, đông lạnh vào danh mục mặt hàng thủy sản phải chỉ định kiểm dịch trước khi xuất khẩu.

Lúc này, các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng doanh nghiệp khẩn trương giải quyết những rào cản thương mại này. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, các bộ đã có thư gửi lãnh đạo phía Úc để cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Sau nhiều nỗ lực, tôm của Việt Nam đã xuất khẩu trở lại thị trường Úc sau 6 tháng bị cấm.

Theo một lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, xu hướng các nước tăng cường rào cản, hạn chế các sản phẩm nhập khẩu để bảo hộ hàng hóa trong nước ngày càng phổ biến. Đây là thực tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2018.

“Đơn cử, tại thị trường Ấn Độ, để bảo hộ nông dân trồng tiêu, Ấn Độ áp dụng thuế nhập khẩu tiêu vào thị trường này tăng mạnh từ 5.000 USD/tấn lên 8.000 USD/tấn. Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt đã phải hủy đơn hàng và không tiếp tục đưa hàng vào thị trường này. Vấn đề tương tự sẽ có thể sẽ diễn ra ở các thị trường khó tính khác như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc…”, vị lãnh đạo này cho hay.

Từ câu chuyện này, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong năm nay là tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn về rào cản thương mại. 

Nâng cao chất lượng, điểm chốt thúc đẩy xuất khẩu 2018

Cùng với việc tháo gỡ các rào cản thương mại, vướng mắc về hàng rào thuế quan, hay câu chuyện về bảo hộ thị trường nội địa, theo nhìn nhận của giới chuyên gia,  điểm mấu chốt để nâng cao giá trị hàng Việt Nam khi xuất khẩu là cải thiện chất lượng và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thực tế cho thấy, việc cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một trong những yếu điểm của doanh nghiệp Việt bấy lâu nay do hạn chế về công nghệ, thiết kế sản phẩm..., khiến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, do phần lớn quy mô doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên năng lực cạnh tranh cũng không cao.

Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản… hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Giá trị gia tăng của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường còn thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao so với các doanh nghiệp nước ngoài khi đi ra sân chơi quốc tế.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group thẳng thắn nhìn nhận, là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng Việt Nam chủ yếu xuất sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Để cải thiện điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất hiện đại…

“Bản thân các doanh nghiệp như Intimex cũng đã chú ý đến đầu tư công nghệ để cho ra những sản phẩm có giá trị cao, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực thực hiện. Hiện Intimex đã đầu tư nhà máy cà phê hòa tan trị giá 6.000 tỷ đồng với kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng cà phê xuất khẩu”, ông Nam cho hay.

Hay như vải thiều, một đặc sản của Việt Nam được nhiều nước quan tâm, nhưng để xuất khẩu được sản phẩm này, doanh nghiệp đã mất nhiều thời gian thăm dò thị trường, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của các thị trường. Hiện tại, Central Group đã bước đầu thành công khi đưa vải thiều Lục Ngạn ra thị trường quốc tế.

Chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt Nam trong hội nhập quốc tế” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long, đại diện cho Central Group Việt Nam cho rằng, nếu chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý thì không thể khẳng định được tính đặc sắc của nông sản Việt Nam.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay, công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch của nhiều sản phẩm còn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…, nhiều sản phẩm có bao bì chưa hấp dẫn và tiện lợi cho người tiêu dùng thế giới…

“Để nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng cải thiện về vấn đề này”, ông Dũng nhìn nhận.

Nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam bằng các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ là điều mà Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay, cũng như các
năm tới.

“Cần định hướng phát triển các lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt theo chiều sâu, đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao vị thế hàng Việt, bởi nếu cứ mãi làm theo cách truyền thống thì rất khó cải thiện hiệu quả", Thủ tướng nhìn nhận.   

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục