Góc nhìn kỹ thuật phiên 21/1: Vẫn còn trong nhịp hồi phục kỹ thuật

(ĐTCK) Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục biến động trong vùng giá 525-530 của VN-Index và trên mức 73.0 của HNX-Index. Đồng thời, hai chỉ số vẫn còn trong nhịp hồi phục kỹ thuật và mức độ rủi ro ngắn hạn có chiều hướng suy giảm, cho nên các nhà đầu tư không nên bán tháo bằng mọi giá tại các nhịp giảm điểm.
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. Nguồn: VCBS

ĐTCK lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 21/1.

CTCK Bản Việt – VCSC

Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục biến động trong vùng giá 525-530 của VN-Index và trên mức 73.0 của HNX-Index. Đồng thời, hai chỉ số vẫn còn trong nhịp hồi phục kỹ thuật và mức độ rủi ro ngắn hạn có chiều hướng suy giảm, cho nên các nhà đầu tư không nên bán tháo bằng mọi giá tại các nhịp giảm điểm.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm về gần vùng đáy thấp nhất lịch sử (như GAS, PVD,…), nên lực cầu bắt đáy có thể sẽ gia tăng trên nhóm cổ phiếu này và có thể giúp chững lại nhịp giảm điểm của thị trường.

Hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì mức GIẢM xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức kháng cự của hệ thống ở mức 543.91 với VN-Index và 76.23 với HNX-Index, cho nên điểm mua an toàn vẫn chưa hình thành. Do đó, trên quan điểm thận trọng, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên mở vị thế mua mới. Nếu nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao thì có thể tiếp tục mở vị thế mua thăm dò đáy với tỷ trọng thấp.

CTCK FPT – FPTS

Khu vực 520-525 điểm sẽ đóng vai trò như một khu vực hỗ trợ quan trọng trước rủi ro một lực cung đã đạt đủ T+3 sẽ xuất hiện vào 02 phiên cuối tuần.

Ngoài ra, áp lực dồn lên khu vực này sẽ rất lớn nếu như chỉ số không sớm lấp đầy khoảng trống đã hình thành giữa 2 phiên 15/1 và 18/1, tương đương khoảng điểm 532-543. Sau phiên 20/1 hầu hết các chỉ báo tiếp tục cho cảnh báo nguy hiểm đối với xu hướng ngắn hạn, điển hình như MACD, RSI, ADX.

Trong khi đó, nhóm chỉ báo nhanh như CCI, Wm%R và đặc biệt là chỉ báo Stoch vẫn hàm ý tín hiệu hồi phục kỹ thuật vẫn còn. Thanh khoản trong phiên 20/1 sụt giảm dần sang phiên thứ 3 liên tiếp nhưng vẫn đạt mức bình quân 20 phiên là phản ứng tích cực của dòng tiền đối với khu vực giá hiện tại của thị trường.

Như vậy, một nhịp hồi phục kỹ thuật vẫn còn dư địa trong các phiên tới nếu như khu vực 520-525 được giữ vững. Theo đó, mục tiêu kháng cự cho đợt hồi phục này sẽ trong khoảng 532-543, tương đương khoảng trống đã hình thành giữa 2 phiên 15/1 và 18/1.

 Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. Nguồn: VCBS

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS

VN-Index rung lắc mạnh trở lại sau phiên bật tăng trước đó. Vùng kháng cự 532-543 điểm tương đương Falling Window của phiên 18/1 tỏ ra khá mạnh. Đây cũng sẽ là vùng xác lập khả năng đảo chiều tăng điểm thành công của chỉ số này trong ngắn hạn. Các chỉ báo kỹ thuật cũng cho tín hiệu khá nhiễu sau phiên giảm điểm trở lại ngày 20/1. Vùng 520-525 điểm sẽ tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho VN-Index trong ngắn hạn.

HNX-Index cũng điều chỉnh trở lại từ mốc 74.3 điểm tương ứng mốc Fibo78.6%. Xu hướng điều chỉnh giảm sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, nếu đáy cũ tương ứng 72-73 điểm không bị phá vỡ thì rủi ro điều chỉnh sâu cũng được giảm thiểu.

CTCK MB – MBS   

Về mặt kỹ thuật, các chỉ số chứng khoán suy yếu trở lại là tín hiệu không tích cực cho trạng thái hồi phục mới được diễn ra trong phiên trước và cho thấy xu thế sụt giảm ngắn hạn vẫn hiện hữu. Do đó, nhà đầu tư duy trì tỷ trọng tiền mặt cao, hạn chế các giao dịch ngắn hạn, hoạt động mua trung hạn có thể tiếp tục chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường.

CTCK Bảo Việt – BVSC

Đường giá đã quay đầu giảm điểm khi nỗ lực vượt lên trên cận dưới của kênh xu hướng giảm kéo dài từ đầu tháng 11/2015 không thành công trong bối cảnh nhóm MA ngắn hạn vẫn đang gia tăng độ dốc hướng xuống để gây thêm sức ép lên đà giảm của chỉ số. Dựa vào diễn biến này, nhiều khả năng phiên tăng điểm ngày 20/1 chỉ là phiên hồi phục kỹ thuật để giúp đường giá quay kiểm tra ngưỡng điểm vừa bị phá vỡ. Chỉ số có thể sẽ quay lại xu hướng giảm trong những phiên còn lại của tuần.

Về mặt chỉ báo kỹ thuật, các đường MACD và Momentum vẫn đang trong xu hướng giảm mạnh, còn đường ADX đang hướng đến ngưỡng 50 trong sự phân kỳ của 2 đường DI. Bên cạnh đó, đường MFI cũng đã bước vào nhịp sụt giảm và hướng về vùng quá bán cho thấy xu hướng dòng tiền đang có diễn biến không mấy tích cực. Những tín hiệu trên đang ủng hộ cho khả năng chỉ số sẽ còn tiếp tục sụt giảm trong ngắn hạn dù cho nhóm chỉ báo dao động vẫn đang ở trạng thái tích cực.

Vùng hỗ trợ gần của 2 chỉ số được dự báo nằm tại 505-510 điểm đối với VN-Index và 70-70,5 điểm đối với HNX-Index. Đây được xem là điểm mua trading mang tính do đáy với tỷ trọng thấp cho các vị thế ngắn hạn.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ