Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến giá dầu giảm mạnh và trong thời gian ngắn tới có thể sẽ chưa thể phục hồi.
Cụ thể hơn, Chủ tịch HNX cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc - nơi tiêu thụ sản lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang suy yếu, góp phần không nhỏ khiến sức cầu về dầu mỏ suy giảm. Trong khi đó, trong nội khối OPEC có sự rạn nứt, một số quốc gia đang tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu. Cung, cầu chuyển động ngược nhau là nguyên nhân chính khiến giá dầu rơi sâu ngoài dự báo.
Tuy nhiên, nếu bình tĩnh xem xét khả năng giá dầu rơi sâu liệu có kéo dài không, Chủ tịch HNX tin rằng, trong trung hạn, giá dầu sẽ phải điều chỉnh lại. Lý do giá thành sản xuất dầu ở nhiều nước nội khối OPEC dao động từ 25-30 USD/thùng, nên nếu giá rơi sâu và rơi lâu, nhiều quốc gia, nhiều công ty sản xuất dầu mỏ sẽ lỗ. Khi chạm vào điểm thua lỗ, phản ứng tự nhiên của các nước này là điều tiết nguồn cung giảm đi, để đưa giá dầu về điểm cân bằng.
Liên quan đến TTCK Việt Nam, Chủ tịch HNX đánh giá, khi TTCK thế giới điêu đứng vì giá dầu, TTCK Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, trong nguy có cơ. TTCK lùi sâu so với mốc 600 điểm là cơ hội cho việc đầu tư các cổ phiếu cơ bản tốt.
Năm 2015, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam tăng trưởng tốt nhất trong 5 năm, các DN niêm yết có sự tiến bộ vượt bậc về kết quả kinh doanh khi số DN có lãi năm 2015 cao hơn nhiều so với các năm trước. Hai yếu tố nền tảng này cho thấy, triển vọng của TTCK Việt Nam là tốt.
Chủ tịch HNX tin rằng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hiệu quả, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam phục hồi, lạm phát ở mức rất thấp và mặt bằng lãi suất hiện ở mức thấp hơn 10 năm trước đây.