Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2015 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối năm 2014, có giá dầu thô dự toán 100 USD/thùng. Theo Bộ Tài chính, ngay khi kết thúc kỳ họp này, giá dầu thô giảm còn 70 USD/thùng, sau đó giảm còn 60 USD/thùng và càng về cuối năm 2015 càng giảm mạnh, khi rơi xuống dưới 40 USD/thùng.
Giá dầu bình quân cả năm qua là 55 USD/thùng, giảm mạnh so với dự toán. Thế nhưng, thu ngân sách năm 2015 vượt 8,6% so với dự toán, tương đương vượt 78.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2014.
Còn với năm 2016, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách với giá dầu thô 60 USD/thùng, hiện giá dầu giảm xuống dưới 30 USD/thùng. Thừa nhận giá dầu giảm tác động ngay đến “túi tiền” ngân sách, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tỷ trọng thu ngân sách trực tiếp và gián tiếp liên quan đến dầu thô không lớn, khoảng 10% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, kinh nghiệm điều hành năm 2015 cho thấy, giá xăng dầu giảm có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
Vì thế, số giảm thu do biến động giảm của giá dầu thô có thể bù đắp được từ số phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu.
“Tuy điều hành giá xăng dầu đã ‘ngon’ rồi, nhưng trả lời chất vấn trước Quốc hội, tôi cũng muốn điều hành mặt này hàng ngày, chứ không muốn kéo dài 15 ngày như hiện tại. Trong điều kiện chưa sớm triển khai được theo hướng này, với phương án tăng thì phải đợi 15 ngày, nhưng giảm không nên chờ dài ngày như vậy”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói và cho biết thêm, cũng nằm trong nỗ lực tận dụng cơ hội giá dầu giảm để giảm mạnh chi phí kinh doanh cho người dân và DN, tới đây, khi cơ chế điều hành giá xăng dầu nhuần nhuyễn hơn sẽ tính toán không duy trì quỹ bình ổn xăng dầu nữa, tránh “treo” tiền của người dân ở quỹ này.
“Trong bối cảnh đó, năm 2015, chúng ta đã vượt thu ngân sách, đồng thời TTCK Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, khi tăng trưởng 6,1%, vốn hóa thị trường đạt 54% GDP. Từ kinh nghiệm và bài học này, cùng với đà tăng trưởng kinh tế đang trên đà khởi sắc, TTCK trong năm nay sẽ vận động theo xu hướng tích cực”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận.
Theo nghiên cứu của CTCK BSC, giá dầu thô giảm mạnh trong năm qua là một trong những nguyên nhân khiến giá hàng hóa thế giới sụt giảm tới 20% trong vòng 1,5 năm trở lại đây. Với Việt Nam, năm 2015, sau 12 lần giảm giá trong tổng số 20 lần điều chỉnh, giá xăng đã giảm 1.480 đồng/lít (-8,3%), giá dầu diesel giảm 5.010 đồng/lít (-29,6%) so với cuối năm 2014, nên nhóm hàng giao thông có chỉ số giá giảm mạnh (-8,74%), kéo dài số năm giảm sang năm thứ hai do giá xăng dầu giảm. Điều này góp phần quan trọng giúp chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp trong năm 2015.
Năm 2016, giá dầu dự báo ở mức thấp trong những tháng đầu năm và tăng dần vào cuối năm. Với kịch bản giá dầu thấp, ngoài giúp nền kinh tế tiếp tục có cơ hội giảm chi phí đầu vào, còn mang lại một hiệu ứng tích cực khác là khiến cho mức lạm phát của Mỹ thấp, nên đây sẽ là yếu tố cản trở tiến trình tăng lãi suất của Mỹ trong năm 2016. Điều này đồng nghĩa làm chậm lại quá trình NĐT nước ngoài rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi…