Giới đầu tư toàn cầu phấn khích với quyết định giảm lãi suất của Trung Quốc

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 2 năm đã giúp các thị trường chứng khoán, vàng, dầu đồng loạt tăng mạnh.
Phố Wall có tuần tăng điểm tích cực - Ảnh: Reuters Phố Wall có tuần tăng điểm tích cực - Ảnh: Reuters

Hành động giảm lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giúp chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên cuối tuần và tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Dù cũng có lúc bị rung lắc bởi các thông tin không tích cực đến từ Nhật Bản hay biên bản cuộc họp của FED, nhưng phố Wall vẫn có tuần giao dịch tích cực trước khi bước vào kỳ nghỉ lệ Tạ ơn.

Kết thúc phiên 21/11, chỉ số Dow Jones tăng 91,06 điểm (+0,51%), lên 17.810,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,75 điểm (+0,52%), lên 2.063,50 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 11,10 điểm (+0,24%), lên 4.712,97 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,99%, chỉ số S&P 500 tăng 1,16%, chỉ số Nasdaq tăng 0,52%.

Với một thị trường nhạy cảm với các thông tin đến từ Trung Quốc như chứng khoán châu Âu, quyết định bất ngờ của PBOC đã giúp các thị trường chứng khoán này tăng vọt. Với việc cắt giảm lãi suất của PBOC, giới đầu tư châu Âu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ lấy lại được đà tăng trưởng mạnh, trong khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp châu Âu, nhất là các công ty khai thác mỏ.

Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn được thêm “liều thuốc kích thích” mạnh khác với phát biểu của ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc ECB sẽ mở rộng gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế khu vực đồng euro đang rất yếu ớt.

Với những thông tin này, chứng khoán châu Âu có phiên tăng vọt cuối tuần, trong đó chứng khoán Đức và Pháp, 2 nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro tăng vọt hơn 2,6%.

Kết thúc phiên 21/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 71,86 điểm (+1,08%), lên 6.750,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 248,58 điểm (+2,62%), lên 9.732,55 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 113,03 điểm (+2,67%), lên 4.347,23 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,45%, chỉ số DAX tăng tới 5,18%, chỉ số CAC 40 tăng 3,44%.

Hôm thứ Sáu, PBOC bất ngờ quyết định cắt giả lãi suất lần đầu tiên sau 2 năm. Theo đó, lãi suất cho vay cắt giảm 40 điểm phần trăm, còn 5,6%/năm và lãi suất huy động cắt giảm 25 điểm phần trăm, còn 2,75%/năm.

Động thái này của PBOC là nhằm kích thích nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vốn đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại với mức tăng trưởng trong năm nay dự kiến ở mức 7,4%, mức thấp nhất trong 24 năm.

Ngay sau quyết định này, thị trường chứng khoán đã có phản ứng tích cực khi đồng loạt quay tăng mạnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, quyết định này không có nhiều tác động, bởi thực sự các ngân hàng của Trung Quốc cũng đã giảm lãi suất trong tháng 10 khi nhận thấy sản xuất công nghiệp, thị trường bất động sản yếu. Dù vậy, việc này cũng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay và qua đó cũng giúp tránh gia tăng nợ xấu.

Kết thúc phiên 21/11, chỉ số Nikkei 225 tăng 56,65 điểm (+0,33%), lên 17.357,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 87,48 điểm (+0,37%), lên 23.437,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 34,13 điểm (+1,39%), lên 2.486,79 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,76%, chỉ số HangSeng với 4 phiên giảm liên tiếp và 1 phiên hồi cuối tuần, nên giảm 2,7%, trong khi với phiên hồi mạnh cuối tuần, chỉ số Shanghai Composite đã bù đắp hết những tổn thất trong tuần, thậm chí lật ngược tình thế, tăng nhẹ 0,32%.

Quyết định cắt giảm lãi suất của PBOC không chỉ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán, mà còn cho cả giá vàng. Theo giới phân tích, việc PBOC giảm lãi suất sẽ kích thích dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và cả vàng. Và với quốc gia tiêu thụ vàng thuộc hàng lớn nhất thế giới như Trung Quốc, thì quyết định này có lợi cho giá kim loại quý này.

Kết thúc phiên 21/11, giá vàng giao ngay tăng 7,6 USD (+0,64%), lên 1.202,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 4,6 USD (+0,70%), lên 1.201,5 USD/ounce. Trong tuần cả giá vàng giao ngay và giao tháng 12 cùng tăng 1,14%.

Theo cuộc khảo sát tuần này của Kitco, trong số 36 người tham gia, 23 người trả lời trong tuần này, có 14 người dự đoán giá vàng tiếp tục tăng, trong khi 6 người cho rằng giá kim loại quý này sẽ giảm vào tuần tới và 3 người giữ quan điểm trung lập hoặc dự đoán giá sẽ đi ngang. 2 tuần trước, đa số người trả lời nghiêng về xu hướng giảm, nhưng giá kim loại quý này lại đều tăng.

Dĩ nhiên, không chỉ chứng khoán, vàng, mà giá dầu cũng được hưởng lợi từ việc cắt giảm lãi suất của PBOC. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, vì vậy, giới đầu tư kỳ vọng, việc cắt giảm lãi suất của PBOC giúp nền kinh tế này lấy lại được đà tăng trưởng mạnh của mình, nên dĩ nhiên giá dầu được hưởng lợi.

Ngoài ra, kỳ vọng về việc OPEC sẽ cắt giảm sản lượng vào cuộc họp tuần tới cũng tiếp tục là động lực để dầu đi lên và có được tuần tăng giá đầu tiên sau 2 tháng.

Kết thúc phiên 21/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 0,66 USD (+0,87%), lên 76,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,27 USD (+1,60%), lên 80,60 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,91%, giá dầu thô Brent tăng 3,68%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục