Chứng khoán Mỹ giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới và nới rộng dần đà giảm về cuối phiên trước sự ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu internet khi nhóm cổ phiếu này bị bán mạnh và là nhóm có mức giảm mạnh nhất trên sàn.
Trong tuần giao dịch này, Phố Wall bắt đầu bước vào mua công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I với sự khởi đầu của 2 đại gia tài chính là JPMorgan Chase & Co và Wells Fargo & Co, cũng như các nhà bán lẻ Bed, Bath & Beyond ( BBBY.O )...
Phố Wall giảm mạnh còn do giới đầu tư lo lắng khi căng thẳng lại bùng phát ở Ukraine sau khi những người biểu tình thân Nga ở miền Đông Ukraine đã chiếm tòa nhà chính quyền và kho vũ khí.
Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall tăng 11,5%, lên 1556. Chỉ số này thường biến động trái chiều với S&P 500.
Kết thúc phiên 7/4, chỉ số Dow Jones giảm 166,84 điểm (-1,02%), xuống 16.245,87 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,05 điểm (-1,08%), xuống 1.845,04 điểm. Nasdaq giảm 47,97 điểm (-1,16%), xuống 4.079,75 điểm.
Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng có phiên giảm mạnh đầu tuần. Thị trường chứng khoán châu Âu đã có 3 tuần tăng khá sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine được hạ nhiệt và xuất hiện tín hiệu quá mua, vì vậy, không khó hiểu khi thị trường điều chỉnh do áp lực chốt lời. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Ukraine lại có nguy cơ bùng phát căng thẳng mới, cũng khiến giới đầu tư lo ngại rủi ro bán mạnh ra, kéo chứng khoán châu Âu giảm mạnh.
Kết thúc phiên 7/4, chỉ số FTSE tại Anh giảm 72,71 điểm (-1,09%), xuống 6.622,84 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 184,92 điểm (-1,91%), xuống 9.510,85 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 48,47 điểm (-1,08%), xuống 4.436,08 điểm.
Cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường chứng khoán toàn cầu, chứng khoán châu Á cũng có phiên giảm mạnh đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản giảm gần 1,7% khi đồng yên tăng mạnh so với đồng USD, chứng khoán Hồng Kông cũng giảm 0,6%
Kết thúc phiên 7/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 254,92 điểm (-1,69%), xuống 14.808,85 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 132,93 điểm (-0,59%), xuống 22.377,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 15,13 điểm (+0,74%), lên 2.058,83 điểm.
Giá vàng cũng có phiên điều chỉnh do áp lực chốt lời sau phiên tăng mạnh đầu tuần. Kết thúc phiên 7/4, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 5,4 USD (-0,41%), xuống 1.296,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 đứng ở mức 1.298,3 USD/ounce.
Giá dầu thô cũng đã điều chỉnh giảm trở lại khi triển vọng về nguồn cung từ Lybia đang có dấu hiệu tốt hơn. Kết thúc phiên 7/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,70 USD (-0,70%), lên 100,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,90 (-0,85%), xuống 105,82 USD/thùng.