Chứng khoán đang hút tiền của các kênh đầu tư khác

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế khả quan giúp chứng khoán toàn cầu tăng điểm, trong đó S&P500 thiết lập đỉnh cao mới. Đà tăng ấn tượng của chứng khoán đã hút tiền của các kênh đầu tư khác, trong đó có vàng, khiến giá kim loại quý này nối dài chuỗi ngày giảm.
Phố Wall tiếp tục tăng điểm ấn tượng nhờ dữ liệu kinh tế khả quan - Ảnh: Reuters Phố Wall tiếp tục tăng điểm ấn tượng nhờ dữ liệu kinh tế khả quan - Ảnh: Reuters
Dữ liệu mới công bố tiếp tục cho thấy nền kinh tế đang có những bước phục hồi ổn định, bất chấp vừa trải qua một mùa Đông khắc nghiệt.

Theo báo cáo của Viện quản lý nguồn cung (ISM), chỉ số hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng lên mức 53,7 trong tháng 3 từ mức 53,2 trong tháng 2, tháng tăng thứ 2 liên tiếp, nhưng vẫn dưới mức dự báo 54.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 3 vẫn là 55,5, giảm so với mức 57,1 của tháng 2 như công bố trước đó (ngày 24/3), nhưng điểm tích cực là tốc độ tăng trưởng và tuyển dụng lao động vẫn mạnh.

Trong khi đó, chi tiêu xây dựng chỉ tăng 0,1% trong tháng 2 do sự sụt giảm trong xây dựng nhà tư nhân.

Thêm một thông tin tích cực cho chứng khoán khi doanh số bán xe mới tăng lên nhanh đáng ngạc nhiên trong tháng 3, lên 16 triệu xe, kết thúc 3 tháng yếu ớt trước đó và củng cố thêm rằng, niềm tin của người tiêu dùng đang tăng lên.

Những dữ liệu kinh tế tích cực, đặc biệt là chỉ số hoạt động sản xuất nhà máy của Mỹ vừa được công bố tiếp tục giúp Phố Wall có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, trong đó, chỉ số S&P 500 thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Dow Jones 74,96 điểm (+0,46%), lên 16.532,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,18 điểm (+0,70%), lên 1.885,52 điểm. Nasdaq tăng 69,05 điểm (+0,64%), lên 4.268,04 điểm.

Thứ Ba, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Vitor Constancio nói với một cuộc họp báo rằng, lạm phát thấp là một mối quan tâm và có thể kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Lạm phát khu vực đồng euro giảm xuống còn 0,5% theo năm vào tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009. Tuy nhiên, ông cũng không đồng ý với các ý kiến cho rằng, kinh tế châu Âu đối diện với nguy cơ giảm phát và cho rằng, lạm phát đang dần tăng lên.

Phát biểu này của Phó chủ tịch ECB khiến kỳ vọng về đợt giảm lãi suất tiếp theo của ECB trong cuộc họp vào thứ Năm tới đã giảm đi đáng kể. Theo một cuộc thăm dò, gần 82% nhà phân tích và chuyên gia cho rằng, ECB sẽ giữ mức lãi suất 0,25%/năm như hiện nay.

Chính kỳ vọng về việc ECB giảm lãi suất đã giúp chứng khoán châu Âu tăng điểm nhẹ trong 2 phiên vừa qua. Tuy nhiên, dù kỳ vọng giảm lãi suất của ECB không còn cao, nhưng chứng khoán châu Âu lại được hỗ trợ bởi thông tin M&A và dữ liệu kinh tế khả quan của Pháp, cùng dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ cũng hỗ trợ tốt cho chứng khoán châu Âu tăng điểm trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 1/4, chỉ số FTSE tại Anh tăng 54,24 điểm (+0,82%), lên 6.652,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 47,80 điểm (+0,50%), lên 9.603,71 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 35,22 điểm (+0,80%), lên 4.426,72 điểm.

Chứng khoán châu Á có sự trái chiều trong phiên giao dịch thứ Ba. Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh nhẹ từ mức cao nhất 3 tuần do ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư về niềm tin kinh doanh của Nhật Bản chưa được cải thiện trong 3 tháng gần đây. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, việc tăng thuế cũng đe dọa đà phục hồi vốn mong manh của Nhật Bản. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tăng mạnh với kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, mà hành động đầu tiên là tăng chi tiêu đầu tư công cho cơ sở hạ tầng.

Một thông tin tích cực giúp chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tăng mạnh là chỉ số PMI tháng 3 của Trung Quốc tăng lên mức 50,3 từ 50,2 trong tháng 2. Dù mức tăng rất nhẹ, nhưng nó đánh dấu tháng tăng đầu tiên trong 6 tháng. Tuy nhiên, chỉ số PMI của Trung Quốc do Ngân hàng HSBC tiến hành lại giảm xuống 48 trong tháng 3 từ mức 48,5 trong tháng 2. Hai báo cao này có sự mâu thuận với nhau.

Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 35,84 điểm (-0,24%), xuống 14.791,99 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 297,48 điểm (+1,34%), lên 22.448,54 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 14,15 điểm (+0,70%), lên 2.047,46 điểm.

Giá vàng tiếp tục giảm giá và xuống dưới mốc 1.800 USD/ounce, có thời điểm đã xuống 1.777,29 USD/ounce, mức thấp nhất 7 tuần. Hoạt động bán ra trong bối cảnh thị trường thiếu thông tin hỗ trợ khiến giá vàng kéo dài chuỗi ngày giảm mạnh. Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế khả quan, giúp chứng khoán tăng mạnh với việc S&P500 thiết lập đỉnh cao mới cũng khiến giới đầu tư rút tiền khỏi các kênh đầu tư khác, trong đó có kim loại quý để chuyển sang kênh chứng khoán khiến giá vàng giảm giá.

Kết thúc phiên 1/4, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 5,00  USD (-0,39%), xuống 1.279,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 3,8 USD (-0,30%), xuống 1.279,6 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục lao mạnh khi Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine và Mỹ chuẩn bị xây dựng thêm một kho dự trữ.

Kết thúc phiên 1/4, giá dầu thô Mỹ giảm 1,84 USD (-1,84%), xuống 99,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,14 (-2,03%), xuống 105,62 USD/thùng.

T.Lê tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục