Dù dữ liệu kinh tế không khả quan, nhưng Phố Wall vẫn tăng mạnh nhờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen vào ngày thứ Hai, khẳng định lại những gì bà đã phát biểu đầu tiên của mình trên cương vị Chủ tịch FED 2 tháng trước. Theo bà Yellen, nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là thị trường lao động còn nhiều khó khăn, nên chưa phải lúc để tăng lãi suất, giúp giới đầu tư bớt lo ngại.
Trong cuộc họp báo đầu tháng này, sau cuộc họp 2 ngày của FED, bà Yellen cho biết, chương trình mua trái phiếu (QE3) có thể sẽ được kết thúc vào mùa Thu này và việc tăng lãi suất sẽ được thực hiện sau đó 6 tháng, sớm hơn so với dự kiến của giới phân tích và các nhà đầu tư. Sau phát biểu này, thị trường đã chứng kiến đợt bán tháo mạnh diễn ra trên cả chứng khoán và thị trường vàng, sau đó chứng khoán hồi nhẹ dần trở lại nhờ các dữ liệu kinh tế khả quan.
Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Dow Jones tăng 134,60 điểm (+0,82%), lên 16.457,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,72 điểm (+0,79%), lên 1.872,34 điểm. Nasdaq tăng 43,23 điểm (+1,04%), lên 4.198,99 điểm.
Với phiên tăng điểm khá trong phiên cuối cùng của tháng 3, giúp S&P 500 có được mức tăng khiêm tốn trong tháng với 0,7%, trong quý I/2013, chỉ số này tăng 1,3%. Chỉ số Dow Jones tăng 0,8% trong tháng 3, nhưng giảm 0,7% trong quý đầu tiên của năm 2014. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq lại giảm mạnh 2,5% trong tháng 3, nhưng vẫn tăng nhẹ 0,5% trong quý I/2014.
Như vậy, chỉ số S&P500 và Nasdaq có quý tăng thứ 5 liên tiếp, mặc dù là mức tăng nhỏ nhất cho cả 2 kể từ quý IV/2012. Trong khi đó, xét về tháng thì Dow Jones và S&P 500 có tháng tăng thứ 2 liên tiếp.
Chứng khoán châu Âu mở đầu ngày giao dịch mới trong phiên đầu tuần cũng có mức tăng rất tốt từ kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm tiếp lãi suất, cũng như tín hiệu tích cực từ các ngân hàng Italia.
Tuy nhiên, vào cuối phiên, các thị trường chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm khi giới đầu tư thận trọng và sớm bán ra để chờ đợi quyết định chính thức của ECB khi lạm phát của Đức và Tây Ban Nha bất ngờ tăng lên, gây áp lực cho ECB trong quyết định giảm lãi suất.
Kết thúc phiên 31/3, chỉ số FTSE tại Anh tăng 10,05 điểm (+0,15%), lên 6.598,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 31,28 điểm (-0,33%), xuống 9.555,91 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 19,76 điểm (-0,45%), xuống 4.391,50 điểm.
Trong phiên đầu tuần mới, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 và quý I/2014, chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh khi đồng yên giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần so với đồng USD và giảm mạnh so với các đông tiền khác. Điều này giúp hỗ trợ cho nền kinh tế dựa chủ yếu và xuất khẩu của Nhật Bản. Trong khi đó, những lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế khiến chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm điểm. Ngoài ra, làn sóng rút tiền từ các thị trường chứng khoán mới nổi sau phát biểu hồi đầu tháng của Chủ tịch FED Janet Yellen về việc rút gói QE3 cũng khiến chứng khoán khoán châu Á, trong đó có chứng khoán Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh.
Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 131,8 điểm (+0,88%), lên 14.827,83điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 85,53 điểm (+0,39%), lên 22.151,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 8,41 điểm (-0,41%), xuống 2.033,31 điểm.
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần trong phiên thứ Hai bất chấp ý kiến của Chủ tịch FED về việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay trong thời gian dài. Giá kim loại quý giảm mạnh do đồng USD tăng mạnh so với đồng euro khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm thêm lãi suất trong cuộc họp vào tuần này.
Kết thúc phiên 31/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 10,10 USD (-0,78%), xuống 1.284,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 10,4 USD (-0,80%), xuống 1.283,4 USD/ounce.
Sau chuỗi ngày tăng mạnh do lo ngại cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây với Nga trong đó có cả lĩnh vực năng lượng, giá dầu đã hạ nhiệt trở lại trong phiên đầu tuần mới khi có thông tin Nga đã rút quan khỏi dọc biên giới phía Đông của Ukraine.
Kết thúc phiên 31/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,09 USD (-0,09%), xuống 101,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,31 (-0,29%), xuống 107,76 USD/thùng.