Cùng với dữ liệu về niềm tin tiêu dùng tăng tháng 3 tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2008 được công bố ngày trước cho thấy, kinh tế Mỹ đang có những bước phục hồi tốt.
Tuy nhiên, khi bước vào phiên chiều, các chỉ số chính đã quay đầu giảm điểm do ảnh hưởng của cổ phiếu công nghệ và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư về căng thẳng địa chính trị giữa Nga và phương Tây.
Trong cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), các lãnh đạo phương Tây đã thống nhất tăng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, cả về lĩnh vực năng lượng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sau hội nghị rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tính sai nếu ông cho rằng, sẽ chia rẽ được các nước phương Tây và các quốc gia này sẽ nhẹ tay với những gì Nga đã làm ở Ukraine.
Thêm vào đó, các phương tiện thông tin của phương Tây dẫn nguồn tin của Mỹ và EU loan tin về việc Nga tiếp tục triển khai 30.000 quân dọc biên giới miền Đông của Ukraine, tăng hơn so với con số 20.000 quân được giới truyền thông và lãnh đạo phương Tây công bố trước đó.
Những diễn biến mới về căng thẳng chính trị giữa các cường quốc đã khiến giới đầu tư Phố Wall lo ngại trở lại. Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của giới đầu tư Phố Wall sau khi giảm 7,1% trong phiên thứ Ba, đã tăng 6,5% trở lại trong phiên thứ Tư, lên 14,93.
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Dow Jones giảm 98,89 điểm (-0,60%), xuống 16.268,99 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,06 điểm (-0,70%), xuống 1.852,56 điểm. Nasdaq giảm 60.69 điểm (-1,43%), xuống 4.173,58 điểm.
Đà giảm của chứng khoán Mỹ trong phiên 26/3 do tác động lớn của nhóm cổ phiếu công nghệ, công nghệ sinh học, vật liệu.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại có tiếp tục có phiên tích cực với sắc xanh bao phủ ở các thị trường chính nhờ dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ. Sau đó, các thông tin về các biện pháp trừng phạt tăng nặng được đưa ra của giới lãnh đạo phương Tây đối với Nga được được ra đã ảnh hưởng với chứng khoán châu Âu, nhưng thời gian còn lại là không đủ. Ngoại trừ chứng khoán Anh hạ nhiệt, đánh mất gần hết thành quả, còn lại chứng khoán Đức và Pháp vẫn bảo toàn được số điểm đã có trong phiên.
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số FTSE tại Anh tăng 0,41 điểm (+0,01%), lên 6.605,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 110,18 điểm (+1,18%), lên 9.448,58 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 41,03 điểm (+0,94%), lên 4.385,15 điểm.
Chứng khoán châu Á, hồi phục nhẹ trở lại nhờ dữ liệu về niềm tin tiêu dùng của Mỹ và căng thẳng ở Ukraine tạm lắng trước đó.
Kết thúc phiên 26/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 53,97 điểm (+0,37%), lên 14.477,16 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 155,43 điểm (+0,72%), lên 21.887,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 3,64 điểm (-0,18%), xuống 2.063,67 điểm.
Với những dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan liên tiếp được công bố, giá vàng đã giảm mạnh trở lại sau phiên hồi nhẹ trước đó. Tuy nhiên, giá kim loại quý này hồi trở lại khi chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.300 USD/ounce và thông tin căng thẳng chính trị gia tăng giữa phương Tây và Nga, giúp đà giảm bị hãm lại.
Kết thúc phiên 26/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 5,9 USD (-0,45%), xuống 1.305,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 8 USD (-0,61%), xuống 1.303,4 USD/ounce.
Sau những tuyên bố về việc gia tăng trừng phạt Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng của phương Tây, giá dầu thô lập tức tăng mạnh trong phiên giao dịch thứ Tư, trong đó, giá dầu thô trên thị trường Mỹ một lần nữa vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Kết thúc phiên 26/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,07 USD (+1,07%), lên 100,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,04 (+0,04%), lên 107,03 USD/thùng.