Chứng khoán giảm dưới áp lực chốt lời, vàng tăng trở lại

(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm vào cuối phiên cuối tuần trước áp lực chốt lời mạnh của nhà đầu tư, trong khi vàng tăng trở lại từ mức thấp nhất hơn 3 tháng.
Phố Wall có tuần tăng điểm khá - Ảnh: Reuters Phố Wall có tuần tăng điểm khá - Ảnh: Reuters

Sau phiên giảm điểm vào ngày thứ Tư khi Cụ dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố khả năng kết thúc chương trình mua trái phiếu (QE3) và tăng lãi suất, Phố Wall nhanh chóng phục hồi mạnh vào phiên sau đó, nhờ dữ liệu kinh tế khả quan. Trong phiên giao dịch cuối tuần, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng khá trong đầu phiên, nhưng khi S&P500 lên mức cao lịch sử mới, lệnh chốt lời đã đồng loạt được tung ra, kéo các chỉ số dần hạ nhiệt và chuyển sắc đỏ gần nửa cuối phiên.

Theo giới phân tích, lực chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư trong phiên cuối tuần là điều dễ hiểu, bởi S&P 500 đã leo lên đỉnh cao mới, trong khi thị trường đang đối mặt với nhiều thông tin tác động không mấy tích cực. Ngoài việc FED tuyên bố kết thúc gói QE3 và tăng lãi suất sớm hơn dự đoán, nhà đầu tư cũng đang lo ngại về tình hình Ukraine.

Trong động thái mới nhất, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc xanh, hoàn tất thủ tục sáp nhập vùng Crưm vào Nga bất chấp sự phản đối kịch liệt của Mỹ và các nước Phương Tây. Với hành động này, Mỹ và EU đã mở rộng các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga.

Kết thúc phiên 21/3, chỉ số Dow Jones giảm 28,28 điểm (-0,17%), xuống 16.302,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,49 điểm (-0,29%), xuống 1.866,52 điểm. Nasdaq giảm 42,50 điểm (-0,98%), xuống 4.276,79 điểm.

Dù giảm điểm 2 phiên thứ Tư và cuối tuần với những lo ngại từ FED và áp lực chốt lời, nhưng với 2 phiên tăng mạnh đầu tuần khi cuộc bỏ biếu trưng cầu dân ý ở Crưm diễn ra yên ả và không có cuộc đụng độ nào xảy ra, Phố Wall vẫn có tuần tăng điểm tốt trong tuần giao dịch vừa qua.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,5%, chỉ số S&P 500 tăng 1,4% và chỉ số Nasdaq tăng 0,7%.

Trái ngược với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại có phiên tăng điểm cuối tuần nhờ sự hỗ trợ của các cổ phiếu khai khoáng. Các cổ phiếu khai mỏ của châu Âu tăng mạnh với kỳ vọng tiêu thụ tại Trung Quốc sẽ tăng trở lại khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết sẽ có chính sách để kích thích nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này trong ngày thứ Năm.

Kết thúc phiên 21/3, chỉ số FTSE tại Anh tăng 14,73 điểm (+0,23%), lên 6.557,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 46,82 điểm (+0,50%), lên 9.342,94 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 7,37 điểm (+0,17%), lên 4.335,28 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE tăng 0,45%, chỉ số DAX tăng 3,16%, chỉ số CAC 40 tăng 2,82%. Trong khi chứng khoán Đức đã lấy lại được hết những gì đã mất ở tuần trước, thì mức tăng của chứng khoán Anh và Pháp chưa đủ đề bù đắp mức thiệt hại đã mất trong tuần trước.

Ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch trong phiên cuối tuần, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đã có phiên cuối tuần khởi sắc sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, sẽ có chính sách kích thích kinh tế sau dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Kết thúc phiên 21/3, TTCK Nhật Bản nghỉ giao dịch. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 254,54 điểm (+1,20%), lên 21.436,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 54,14 điểm (+2,72%), lên 2.047,62 điểm.

Trong tuần, chí số Nikkei 225 giảm tiếp 0,72% sau khi mất 6,2% trong tuần trước, chỉ số Hangseng cũng giảm 0,48% sau khi giảm 4,95% tuần trước, chỉ số Shanghai Composite lại tăng mạnh 2,16%, lấy lại gần hết những gì đã mất ở tuần trước (giảm 2,6%).

Sau 4 phiên giảm liên tiếp trong tuần, trong đó có 3 phiên giảm mạnh đầu tuần, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, so với tuần trước, giá kim loại quý này đã đánh mất gần như toàn bộ, thậm chí là hơn so với nỗ lực đạt được của tuần trước.

Kết thúc phiên 21/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 6,20 USD (+0,47%), lên 1.334,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 tăng 5,5 USD (+0,41%), lên 1.336 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giảm 3,42%, giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex giảm 3,12%. Tuần trước mức tăng lần lượt là 3,17% và 3,05%.

Giá vàng giảm mạnh trong tuần qua do 2 nguyên nhân chính tác động là cuộc khủng hoảng ở Ukraine hạ nhiệt, nhất là cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm diễn ra yên bình, khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng giảm đi. Bên cạnh đó, việc FED công bố kết thúc gói QE3 và tăng lãi suất sớm khiến dòng tiền nóng rút ra khỏi các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, ngoài ra, tuyên bố này của FED cũng khiến đồng USD tăng vọt tác động ngược lại lên giá vàng.

Trong khi đó, cuộc những căng thẳng chính trị và trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữ Nga và phương Tây lại giúp giá dầu hồi phục tốt trong tuần.

Kết thúc phiên 21/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,56 USD (+0,56%), lên 99,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,47 (+0,44%), lên 106,92 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 0,58% sau khi mất 3,6% trong tuần trước, giá dầu Brent lại giảm 1,52% mạnh hơn so với mức giảm 0,4% so với tuần trước.

T.Lê tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục