Tháng 7, huy động thành công 50% lượng trái phiếu gọi thầu
Thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 7, chưa tới 54% khối lượng trái phiếu gọi thầu được huy động thành công; trong đó, lượng huy động thành công tập trung cao nhất vào nhóm trái phiếu kỳ hạn 5 năm, trong khi trái phiếu kỳ hạn 3 năm được huy động thành công ở mức thấp.
Theo đó, trong tháng 7, HNX tổ chức 4 phiên đấu thầu trái phiếu, với tổng khối lượng gọi thầu đạt 2.300 tỷ đồng. Có tới 3.250 tỷ đồng khối lượng trái phiếu được các nhà đầu tư đăng ký đặt mua, lớn hơn 41% khối lượng gọi thầu, nhưng chỉ có 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm được huy động thành công. Ở kỳ hạn 10 năm, tỷ lệ huy động thành công còn thấp hơn nữa, khi chỉ huy động thành công 50 tỷ đồng sau 3 phiên đấu thầu.
Ở các kỳ hạn 5 năm và 15 năm, huy động TPCP tốt hơn, nhưng cũng đạt tỷ lệ không lớn. Tính cả tháng 7, tổng khối lượng TPCP huy động đạt 15.647 tỷ đồng, trên tổng số 29.000 tỷ đồng gọi thầu và khối lượng đăng ký mua lên tới trên 38.645 tỷ đồng.
Vì sao huy động trái phiếu thấp?
Tình trạng tỷ lệ huy động trái phiếu thành công thấp không phải đến tháng 7 mới diễn ra. Tháng 6, TPCP huy động thành công cũng chỉ đạt 8.281 tỷ đồng trên tổng khối lượng gọi thầu 23.500 tỷ đồng sau 31 phiên đấu thầu. Thậm chí, trong tháng 5, tổng khối lượng huy động thành công chỉ là 3.818 tỷ đồng trên khối lượng gọi thầu 20.500 tỷ đồng, dù khối lượng đăng ký cũng lên tới 27.885 tỷ đồng.
Số liệu thống kê của HNX cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng huy động TPCP thành công chỉ đạt hơn 85.000 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, huy động của Kho bạc Nhà nước đạt hơn 70.000 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 27,9% kế hoạch năm.
Nhìn vào dữ liệu thống kê các tháng cũng cho thấy, nguyên nhân của việc “ế” TPCP không đến từ việc cạn kiệt nguồn tiền. Ở các kỳ hạn 3 - 5 năm, khối lượng đăng ký đấu thầu thường lớn hơn khối lượng chào thầu, thậm chí vượt rất xa ở loại trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Nhưng nguyên nhân đến từ khác biệt lãi suất.
Trong tháng 7, mặc dù lãi suất huy động trái phiếu các kỳ hạn 10 năm, 15 năm đã tăng tương ứng 1,1%/năm và 0,16%/năm so với tháng 6, nhưng chênh lệch giữa lãi suất đặt thầu và lãi suất trúng thầu vẫn còn khá lớn.
Ở kỳ hạn 3 năm, mức lãi suất trúng thầu cao nhất là 6%/năm, trong khi mức lãi suất đặt thầu cao nhất lên tới 6,38%/năm. Tương tự, tại kỳ hạn 5 năm, mức chênh lệch còn lớn hơn nữa, khi lãi suất huy động tối đa là 6,4%/năm, trong khi mức lãi suất đặt thầu cao nhất tới 7,35%/năm. Với kỳ hạn 15 năm, lãi suất cao nhất mà NĐT mong muốn lên tới 8,5%/năm.
Tình trạng chênh lệch lãi suất cho thấy, NĐT kỳ vọng vào mức sinh lời cao hơn của trái phiếu, hoặc cũng có thể do dự báo lãi suất sẽ tăng trong lai. Điều này dường như đã đi ngược với dự báo của NHNN và các tổ chức tín dụng (vốn là những thành viên tích cực nhất của thị trường TPCP) về xu hướng duy trì ổn định hoặc giảm của lãi suất.
Nhận xét về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là niềm tin vào ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn của NĐT chưa đủ lớn.
“Trong cuộc họp với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây, các chỉ tiêu đều cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cải thiện rất nhiều. Nhưng vấn đề chúng ta cần quan tâm là niềm tin duy trì cải thiện vĩ mô trong dài hạn. Với thâm hụt ngân sách như hiện nay, niềm tin của NĐT vào một sự ổn định dài hạn chưa lớn, vì thế, lãi suất vẫn cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất cơ bản 5%/năm. Chỉ khi có cam kết chắc chắn, lòng tin về ổn định vĩ mô trong dài hạn được nâng lên, thì sẽ ngay lập tức được phản ánh trên lãi suất TPCP”, ông Thành nói.