Tháng 7, chứng khoán tăng điểm mừng sinh nhật thứ 15

(ĐTCK) Tháng 7 hàng năm, TTCK thường điều chỉnh, nhưng năm nay, thị trường có những diễn biến khá tốt: VN-Index tăng 6,2%, HNX-Index tăng 2,4% (tính đến ngày 22/7); lũy kế từ đầu năm, hai chỉ số tăng lần lượt 24,8% và 4,8%. 
Tháng 7, chứng khoán tăng điểm mừng sinh nhật thứ 15

Dòng vốn ngoại là động lực chính dẫn dắt thị trường và yếu tố thu hút vốn ngoại là những chính sách cởi mở, trong đó có nới “room” trong Nghị định 60/2015/NĐ-CP.

Trên HOSE, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên trong tháng 7 đạt 131 triệu cổ phiếu, giảm khoảng 10%; con số này trên HNX là 52,3 triệu cổ phiếu, giảm 15% so với mức trung bình của tháng 6, nhưng vẫn trong giai đoạn sôi động nhất tính từ đầu năm đến nay.

Trong đó, phiên có thanh khoản cao nhất trên HOSE là 180,5 triệu đơn vị (ngày 8/7); trên HNX là 72,8 triệu đơn vị (ngày 14/7). Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có mức tăng giá mạnh nhất, đặc biệt là nhóm ngân hàng, chủ yếu nhờ lực mua của khối NĐT nước ngoài.

Theo quan sát, từ tháng 5 đến nay, hoạt động mua vào của khối ngoại được đánh giá là mạnh nhất trong vài năm trở lại đây. Trong quý II/2015, khối ngoại mua ròng 135 triệu USD cổ phiếu, cao nhất kể từ năm 2007. Trong tuần đầu của tháng 7, khối ngoại mua vào gần 75 triệu chứng khoán, tương ứng giá trị 2.168 tỷ đồng và bán ra hơn 41 triệu chứng khoán, tương ứng giá trị 1.161 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã mua ròng thêm 33,5 triệu chứng khoán, giá trị mua ròng gần 1.007 tỷ đồng, xấp xỉ giá trị mua ròng của cả tháng 6/2015.

Đà tăng điểm của thị trường được duy trì trong tháng 7 là có cơ sở. Yếu tố đầu tiên chính là nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, GDP 6 tháng đầu năm tăng cao. Ở giai đoạn hiện tại, nền kinh tế đang trong thời kỳ đầu của sự hồi phục, tác động lên nhóm ngành được ưu tiên trên thị trường là tài chính, bao gồm: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Ngoài ra, được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế còn là các nhóm ngành bất động sản, xây dựng.

Trong khi đó, Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, các quy định về người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam được nới lỏng hơn, giúp các doanh nghiệp bất động sản đón thêm một lượng cầu mới, đẩy nhanh quá trình bán hàng và đẩy mạnh lượng nhà tiêu thụ.

Đáng chú ý, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp rất khả quan và phản ánh tích cực lên giá cổ phiếu.

Thị trường còn đón nhận những thông tin hỗ trợ như chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đánh dấu một bước phát triển đột phá về quan hệ giữa hai quốc gia; chuyến đi giới thiệu TTCK Việt Nam ở Mỹ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận được nhiều sự quan tâm của NĐT.

Nhiều chính sách được thị trường mong đợi như như rút ngắn thời gian thanh toán về T+2, cho phép giao dịch trong ngày… đang được dự kiến ban hành. Đặc biệt, Nghị định 60 (có hiệu lực từ 1/9/2015) có các quy định thông thoáng về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK đã tác động tích cực lên diễn biến thị trường.

Các cổ phiếu trong diện hết “room” đã tăng giá mạnh để đón đầu dòng tiền từ khối ngoại như HCM, FPT, FPT, VNM, MBB; nhóm cổ phiếu bảo hiểm như BIC, BMI, PGI, PTI cũng thu hút được dòng tiền bởi chính sách này.

Tương tự, những mã cổ phiếu lớn như VCB, BID có nhiều phiên tăng trần, sự hưng phấn lan tỏa sang hầu hết các cổ phiếu ngân hàng khác như CTG, MBB, SHB, EIB, ACB, giúp chỉ số chứng khoán tăng điểm, giao dịch diễn ra sôi động.

Tháng 7, chứng khoán tăng điểm mừng sinh nhật thứ 15 ảnh 1

Diễn biến thị trường kể từ đầu năm cho thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng giữ vai trò dẫn dắt khá rõ rệt. Ngoài thông tin nới “room” thì yếu tố có tác động không nhỏ chính là kết quả của nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 2010 - 2015 được đánh giá là tích cực, hầu hết các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu đã có phương án xử lý thành công, nợ xấu toàn ngành được kiểm soát, tăng trưởng tín dụng đạt đúng lộ trình và kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng được cái thiện rõ nét.

Theo dự báo của một số CTCK, từ nay đến tháng 9, thị trường sẽ có những diễn biến khả quan. Những phiên điều chỉnh sẽ không tác động nhiều tới xu hướng tăng chung của toàn thị trường. Trong đó, dòng tiền từ khối ngoại được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn khi chính sách nới “room” bắt đầu có hiệu lực, trở thành tín hiệu kích hoạt, thu hút dòng tiền nội tham gia thị trường.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục