Tại buổi họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025, ông Nguyễn Phi Lân, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho biết, để xác định lượng tiền ra lưu thông sao cho đảm bảo kinh tế ổn định và tăng trưởng hợp lý, các nhà kinh tế sử dụng nhiều công thức, mô hình kinh tế lượng khác nhau, trong đó công thức cổ điển căn cứ vào hai yếu tố chính: một là, tổng giá trị hàng hóa; hai là, vòng quay của tổng phương tiện thanh toán.
|
Theo đó, ông Lân chia sẻ, vòng quay tiền được xem như một chỉ báo phản ánh mức độ ổn định kinh tế vĩ mô. Thông thường, vòng quay tiền tệ tăng cao và mạnh là chỉ dấu của nền kinh tế tăng trưởng nóng và/hoặc đang có lạm phát cao, chứ không phải là dấu hiệu của nền kinh tế lành mạnh. Nhìn lại lịch sử, trong thời kỳ lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô, vòng quay tiền tệ luôn lớn hơn 1.
Cụ thể, giai đoạn 1995-2005: vòng quay tiền tệ khoảng 2,9 lần/năm, lạm phát trung bình khoảng 8,4%; giai đoạn 2006-2013: vòng quay tiền tệ đạt trung bình 1,1 lần/năm, lạm phát trung bình 11,18%; cá biệt, năm 2008, vòng quay tiền tệ đạt 1,1 lần/năm, lạm phát là 23,06%; năm 2011, vòng quay tiền tệ là 1,19 lần, lạm phát là 18,64.
Trong cả giai đoạn từ năm 2014 đến nay, vòng quay tiền tệ <1 và tương đối ổn định, đi kèm với giai đoạn lạm phát được kiểm soát tốt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (Năm 2024, vòng quay tiền tệ là 0,68 lần, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, lạm phát là 3,6%). Hiện nay, vòng quay tiền tệ của Việt Nam hiện nay (2024) đạt 0,68 lần/năm, cao hơn mức 0,4 lần/năm của Trung Quốc, Nhật Bản, tương đồng với mức 0,7 lần/năm của Thái Lan.
|
Theo ông Lân, thông thường, các quốc gia có xu hướng duy trì vòng quay ổn định và phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Để ổn định kinh tế vĩ mô các nước đang phát triển đều hướng tới và duy trì vòng quay tiền tệ ở mức ổn định và thấp hơn 1. Vòng quay tiền tệ ở mức hợp lý và thấp hơn 1 sẽ góp phần:
Thứ nhất, giúp đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thứ hai, việc duy trì vòng quay tiền tệ ở mức hợp lý, ổn định còn tạo điều kiện mở rộng tín dụng.
“Thực tế, trong giai đoạn 2020-2025, vòng quay tiền tệ ở mức hợp lý đã góp phần mở rộng tín dụng (tăng dần qua từng năm), phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế và đảm bảo được an toàn vĩ mô, qua đó, mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, ông Lân nói.
Cũng theo ông Lân, tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt 12,17%, năm 2021 là 13,61%, năm 2022 đạt 14,18%, còn năm 2023 là 13,79% và năm 2024 đạt 15,09%. Tính đến 27/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,98 triệu tỷ đồng, tăng 8,74% so với cuối năm 2024, tăng 18,85% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024, dư nợ tín dụng tăng 4,85% so với cuối năm 2023), từ đó mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
|
Ông Lân nhấn mạnh: “Nếu vòng quay tiền tệ không ổn định, và/hoặc ở mức cao, sẽ tạo ra nguy cơ gây lạm phát và bất ổn kinh tế”.
Liên quan đến việc xác định cơ cấu tín dụng theo ngành, lĩnh vực, ông Lân thông tin, để phục vụ công tác quản lý nhà nước, cơ cấu tín dụng được phân ra theo các ngành nghề, đối tượng và thời hạn vay. Theo đó:
Phân theo đối tượng bao gồm: cá nhân và tổ chức trong đó tổ chức được phân theo loại hình sở hữu như doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Phân theo loại hình quy mô: bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn…
Phân theo thời hạn vay: bao gồm ngắn hạn, trung và dài hạn
Phân theo ngành kinh tế: hiện nay, NHNN đang phân theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) theo tiêu chuẩn phân ngành kinh tế VSIC 2018 (Ban hành kèm Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Ông Lân cho biết, hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được phân thành 05 cấp: một là, 21 ngành kinh tế cấp 1; hai là, 88 ngành kinh tế cấp 2; ba là, 242 ngành kinh tế cấp 3; bốn là, 486 ngành kinh tế cấp 4; năm là, 734 ngành kinh tế cấp 5. Trên cơ sở hướng dẫn Báo cáo thống kê của NHNN áp dụng đối với hệ thống các TCTD, các TCTD cụ thể hóa mỗi khoản tín dụng theo đúng mã ngành Cục Thống kê hướng dẫn.
Ví dụ dẫn chứng được ông Lân thông tin, với mỗi khách hàng đi vay, các TCTD sẽ phân tổ thống kê theo ngành, lĩnh vực hoạt động, xem cụ thể khách hàng hoạt động trong ngành kinh tế nào, đồng thời có thuộc lĩnh vực ưu tiên hay không, phân loại khách hàng theo đối tượng hoạt động kinh doanh (là cá nhân hay doanh nghiệp, nếu là doanh nghiệp thì quy mô doanh nghiệp ra sao: lớn, vừa, nhỏ hay siêu nhỏ).
|
Toàn cảnh buổi họp báo |
Để phục vụ mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô, ông Lân cho biết, NHNN tổng hợp số liệu dư nợ tín dụng theo 21 nhóm ngành cấp 1 để xem dư nợ tín dụng vào các nhóm ngành cụ thể ra sao. Tùy vào mục đích quản lý theo ngành, lĩnh vực, đối tượng hoạt động kinh doanh cụ thể, hay mục đích phục vụ công tác thanh tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN có thể yêu cầu các TCTD báo cáo phân ngành sâu hơn (theo cấp 2, hoặc cấp 3… hoặc khi cần thiết có thể đến tận cấp 5).
Ví dụ về dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản bao gồm: Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu nhà đô thị, dự án phát triển nhà ở; Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng; Dư nợ tín dụng đối với các khu du lịch sinh thái; Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán…
Ngoài ra, ông Lân thông tin, NHNN cũng có một kênh thông tin tín dụng khác để kiểm tra chéo, đó là thông tin tín dụng được tổng hợp từ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia, được chi tiết đến nhóm ngành cấp 3 (242 ngành). Đây là thông tin nhìn chi tiết từ góc độ mỗi khách hàng được tổng hợp lên, cũng được đảm bảo phân ngành thống nhất theo chuẩn VSIC 2018, được phân theo từng nhóm ngành nghề, lĩnh vực, từng nhóm khách hàng để nhìn rõ hơn sự vận động, luân chuyển của dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế.
Đối với một số nhóm ngành, lĩnh vực cần quản lý sâu hơn, cụ thể đối với dư nợ tín dụng bất động sản, ngoài thu thập số liệu theo phân ngành kinh tế, NHNN còn thu thập theo mục đích sử dụng vốn vay, để từ đó có thể nhìn sâu hơn dư nợ tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng, hay phục vụ mục đích kinh doanh.
“Như vậy, việc xác định cơ cấu tín dụng theo ngành, lĩnh vực của NHNN là hoàn toàn đồng nhất với thống kê kinh tế, tuân thủ theo hướng dẫn về ngành, lĩnh vực của Cục Thống kê quốc gia. Đồng thời, tùy vào mục đích quản lý ngành, lĩnh vực, NHNN có thể yêu cầu thêm từ các TCTD các thông tin phân loại theo mục đích quản lý”, ông Lân nhấn mạnh.