
Những con số ấn tượng
Điểm nhấn quan trọng sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội có lẽ là nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của loại hình tín dụng này được nâng lên. Đặc biệt, là sự chuyển biến rõ rệt, tạo sự thống nhất trong hành động, qua đó huy động và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm đến việc huy động, tập trung nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn cho vay dưới nhiều hình thức như bố trí ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, cấp vốn thực hiện một số chương trình tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31/12 năm trước. Nâng hạn mức phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chính sách tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; cấp bù chênh lệch lãi suất đối với nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường… Bên cạnh đó, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước đã quan tâm, ủy thác vốn qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Theo đó, giai đoạn 2014-2024, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, tính đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 372.940 tỷ đồng, tăng 238.267 tỷ đồng, gấp gần 2,8 lần so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,6%. Nguồn vốn do NHCSXH huy động có tỷ trọng lớn nhất trên tổng nguồn vốn, chiếm 71,07%; nguồn vốn từ cuộc vận động vì người nghèo, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác có tỷ trọng thấp nhất, chiếm 3,45%.
Cụ thể hơn, nguồn vốn được cấp từ ngân sách Trung ương là 44.718 tỷ đồng, tăng 238,267 tỷ đồng so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 40, chiếm gần 12% trong tổng nguồn vốn. Nguồn vốn do NHCSXH huy động là 265.023 tỷ đồng, tăng 169.768 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 71,07% trong tổng nguồn vốn. Trong đó, nguồn tiền gửi 2% là 127.373 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 34%; nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 77.637 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 20,8%; huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường đạt 50.771 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,6%, trong đó nguồn nhận tiền gửi của tổ viên Tổ Tiết kiệm và Vay vốn là 17.518 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 5%. So với năm 2014 và 2019, tỷ trọng nguồn vốn này tương đối ổn định.
Đáng chú ý, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là điểm nổi bật trong việc thực hiện chủ trương tập trung huy động nguồn lực để triển khai tín dụng chính sách xã hội với 46.983 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,6% và tăng 41.958 tỷ đồng so với năm 2014. Tỷ trọng nguồn vốn này tăng từ 2,98% năm 2014 và 7,28% năm 2019 lên 12,6% năm 2024.
Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, hỗ trợ cấp đất xây dựng trụ sở làm việc, trụ sở giao dịch, hỗ trợ kinh phí mua sắm các trang thiết bị làm việc… đảm bảo các yêu cầu cơ bản cho hoạt động của NHCSXH và giao dịch phục vụ người dân. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng giá trị hỗ trợ đạt gần 3.267 tỷ đồng, tăng hơn 728 tỷ đồng so với năm 2019, trong đó hỗ trợ trụ sở làm việc 803.841 m2 đất với giá trị hơn 3.127 tỷ đồng; 1.320 ô tô, xe máy, máy vi tính và tài sản với giá trị gần 46 tỷ đồng và các hỗ trợ khác với giá trị hơn 93 tỷ đồng.
Hành trình còn tiếp nối
Với “bệ đỡ” vững chắc được thể hiện qua các con số, tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn, tập trung ưu tiên cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 4,2 triệu lao động được tạo việc làm, hơn 610.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, hơn 13,1 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được cải tạo, xây mới...; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,2% năm 2011 xuống còn 2,93% năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025); thực hiện 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1.874 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 347 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 44% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả nêu trên tiếp tục khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một “điểm sáng”, là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, là minh chứng thể hiện tính ưu việt, tính định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, những biến đổi phức tạp, khó lường của bối cảnh trong nước và quốc tế đặt ra nhiều thách thức đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phúc lợi và thực hiện công bằng xã hội, tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách. Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới được đặt ra.
Cụ thể, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội.
Ưu tiên cân đối, huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước vào NHCSXH. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp chiếm 30%/tổng nguồn vốn. Bố trí dự toán ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, cấp bù lãi suất, phí quản lý để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Tiếp tục duy trì số dư tiền gửi bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng nhà nước tại NHCSXH. Nghiên cứu nâng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho NHCSXH. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh chiếm 30%/tổng nguồn vốn. Phấn đấu hàng năm ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15-20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của NHCSXH và đến năm 2023 chiếm 15%/tổng nguồn vốn.
Tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền tảng ngân hàng số, số hóa quy trình quản lý và tổ chức thực hiện chính sách, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và Chiến lược Công nghệ thông tin ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030. Nghiên cứu, tạo điều kiện để NHCSXH sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành trong cập nhật và quản lý đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội. Đơn giản hóa trình tự, thủ tục vay vốn, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp, hiện đại hóa công tác quản trị điều hành của NHCSXH.