Đong đếm thiệt hại
Ngay sau khi cơn bão Yagi đi qua, với thống kê thiệt hại ước lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và nhanh chóng ổn định tình hình, đời sống của nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất - kinh doanh ở những vùng bị ảnh hưởng. Nghị quyết đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, tập trung vào giải pháp về tài khóa và tiền tệ.
Theo đó, hệ thống ngân hàng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp như cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay để phục hồi sản xuất. Đối với tài chính, tiếp tục thực hiện giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí để tạo dòng tiền cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sớm phục hồi đời sống và sản xuất.
Theo số liệu sơ bộ, các chương trình tín dụng chính sách đã hỗ trợ vay vốn cho 84.500 đối tượng tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với tổng số tiền giải ngân khoảng 5.000 tỷ đồng.
Từ chính sách tổng thể
Nghị quyết số 143/NQ-CP yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tập trung đẩy nhanh việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách; rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn tại Ngân hàng, xây dựng nhu cầu cho khách hàng vay mới và đề xuất nguồn vốn thực hiện, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó tổng giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận cho biết, ngay sau khi Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3, Ngân hàng đã triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng.
Theo đó, Ngân hàng đã chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các đơn vị liên quan rà soát, thống kê thiệt hại của khách hàng vay vốn để triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nhằm giúp khách hàng sớm khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất - kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống.
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Với tình cảm cá nhân, các cán bộ tín dụng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã động viên, chia sẻ với các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn bị thiệt hại do bão lũ tại phiên giao dịch bù vừa qua. |
Bên cạnh đó, căn cứ số liệu rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng, Ngân hàng xây dựng nhu cầu cho khách hàng vay mới để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong đó, đặc biệt ưu tiên vốn cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do bão để sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh.
Ngoài ra, theo thông tin của ông Huỳnh Văn Thuận, căn cứ mức độ thiệt hại về vốn, tài sản và con người của hộ vay, NHCSXH nơi cho vay sẽ khẩn trương hoàn thiện quy trình thiết lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định hiện hành để trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
NHCSXH cũng thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ (triển khai đối với các món vay phát sinh nợ đến hạn từ tháng 9/2024). Thời hạn thông thường tối đa là 12 tháng đối với các khoản cho vay ngắn hạn và tối đa 1/2 thời hạn cho vay đối với các khoản cho vay trung và dài hạn.
Về nguồn vốn thực hiện, theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 143/NQ-CP, NHCSXH đang thực hiện rà soát, thống kê nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất để có kế hoạch cho vay.
Đến hành động cụ thể
Yên Bái là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do hoàn lưu của cơn bão số 3. Thống kê sơ bộ đến cuối tháng 9, toàn tỉnh Yên Bái có hơn 2.700 điểm sạt lở đất. Mưa lũ cũng khiến nhiều người chết và bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, y tế, điện nước... bị tàn phá.
Đồng hành cùng chính quyền, nhân dân tỉnh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh việc chung tay hỗ trợ các vùng bị thiệt hại.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái, sơ bộ có khoảng hơn 3.000 hộ vay vốn chính sách tại Yên Bái bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, với số tiền trên 88 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhu cầu vốn bổ sung cấp bách trong năm 2024 để khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất - kinh doanh sau thiên tai là 442 tỷ đồng, tập trung vào chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cho vay sửa chữa, xây mới các công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình giải quyết việc làm, cho vay làm nhà ở xã hội...
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, khi các hộ có hoàn cảnh khó khăn, các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái thường xuyên có mặt kịp thời động viên, chia sẻ với bà con trên tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”. |
Để nhanh chóng hỗ trợ đồng bào vay vốn bị thiệt hại khắc phục hậu quả sau mưa lũ, các cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị đã mang theo cặp tài liệu, gói mì tôm và chai nước, vượt qua hàng chục cây số đường rừng lầy lội bùn đá để vào và ở lại tận các xã vùng sâu, vùng xa ở Văn Chấn, Lục Yên, Bảo Yên, Trạm Tấu... để làm nhiệm vụ rà soát, xác định thiệt hại và hướng dẫn bà con vay vốn lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro.
Ngay sau khi bão lũ đi qua, hầu hết các điểm giao dịch tại xã của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hoạt động trở lại bình thường. Vừa tổ chức giao dịch bù, vừa tập trung ưu tiên nguồn vốn từ thu hồi nợ cũ, cùng với nguồn vốn mới bổ sung, để tiến hành giải ngân nhanh nhất, tiện lợi nhất tới tận tay người bị thiệt hại do bão lũ.
Phiên giao dịch sau lũ của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã Tuy Lộc, TP. Yên Bái khác hẳn với các phiên giao dịch thông thường. Các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đến lần này không phải để nộp lãi tiết kiệm, vì Ngân hàng đã có chủ trương tạm dừng chưa thực hiện thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị thiệt hại do cơn bão số 3 đến hết năm 2024.
Mặc dù chưa được giao nguồn vốn bổ sung mới, nhưng NHCSXH cũng đã ưu tiên giải ngân hơn 1 tỷ đồng cho các hộ dân trên địa bàn xã, tập trung vào chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và chương trình giải quyết việc làm.
“Chúng tôi tin tưởng, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng hành của NHCSXH sẽ giúp địa phương sớm trở lại ‘thương hiệu’ xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc nói.
Còn Giám đốc Phòng giao dịch NNHCSXH huyện Lục Yên Dương Quốc Tuấn cho biết, tổng dư nợ của đơn vị đến nay là trên 816 tỷ đồng. Vừa qua, thiệt hại do bão lũ của huyện Lục Yên ước khoảng vài chục tỷ đồng.
Các cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái cùng với chính quyền và bà con nhân dân địa phương chủ động dọn dẹp, sửa sang lại các trụ sở phòng và điểm giao dịch tại xã để nhanh chóng hoạt động trở lại. |
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác rà soát các khách hàng vay vốn bị thiệt hại để áp dụng biện pháp xử lý rủi ro phù hợp, đúng quy định. Tại thời điểm này, mỗi hộ nghèo do bị thiệt hại bão lũ tại địa phương được vay từ 80 - 100 triệu đồng vốn ưu đãi.
“Thời gian tới, đơn vị sẽ ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng có thiệt hại về thiên tai tiếp cận vốn ưu đãi gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn chính sách”, ông Dương Quốc Tuấn nói.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái, có thể nói, đã và đang nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo tất cả hộ vay vốn bị thiệt hại bởi thiên tai đều được xem xét, xử lý nợ bị rủi ro theo quy định.
Chẳng hạn, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3 (triển khai đối với các món vay phát sinh nợ đến hạn từ tháng 9/2024); đồng thời chưa thực hiện thu lãi tiền vay phát sinh với khách hàng ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đến hết tháng 12/2024.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động dọn dẹp, sửa sang lại các trụ sở phòng và các điểm giao dịch tại xã để nhanh chóng hoạt động trở lại bình thường. |
Ngoài ra, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái cũng đang tập trung rà soát nhu cầu vay vốn của người dân và giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. Trong đó, đặc biệt ưu tiên vốn cho khôi phục sản xuất - kinh doanh. Chỉ tính từ ngày 12/9 đến giữa tháng 10/2024, Chi nhánh đã giải ngân cho 90 hộ vay với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.
Ông Trương Văn Hai ở thôn Ngòi Chang, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên, cách TP. Yên Bái khoảng hơn 100 km, hiện đang vay 40 triệu đồng tại NHCSXH huyện. Việc trả khoản nợ trở nên khó khăn hơn sau khi trận mưa lũ kinh hoàng vừa qua quật đổ hết vườn cam, đồi keo sắp đến kỳ thu hoạch, đồng thời làm chết 3 con bò và cả đàn lợn của gia đình.
Nhưng, với sự động viên, chia sẻ thiết thực của cán bộ tín dụng NHCSXH tỉnh Yên Bái, ông Hai vững lòng vượt qua các khó khăn, tiếp tục hướng về phía trước.
Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vay vốn của các địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ xây dựng phương án bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, cân đối nguồn vốn thực hiện để báo cáo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 10/2024, dự kiến trình bổ sung khoảng 4.900 tỷ đồng.