Vai trò công nghệ trong hiện đại hóa tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2025 đã và đang ghi dấu một bước chuyển mình lịch sử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc tiên phong thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn nguồn lực. Với một cuộc cách mạng về công nghệ thông tin (CNTT) được thực hiện thần tốc, NHNN không chỉ tái cấu trúc thành công tổ chức bộ máy mà còn khẳng định vai trò trụ cột trong việc điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an toàn, thông suốt của hệ thống thanh toán quốc gia.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đồng hành cùng cuộc cách mạng chuyển đổi của nền kinh tế và toàn hệ thống chính trị. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đồng hành cùng cuộc cách mạng chuyển đổi của nền kinh tế và toàn hệ thống chính trị.

Trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt thực hiện cải cách hành chính và tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, NHNN đã xác định việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách; xác định rõ vai trò sống còn của CNTT trong kiến tạo một mô hình quản trị linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn vận hành số.

Trọng tâm của công cuộc này là việc tái cơ cấu mô hình hoạt động, tổ chức lại 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 NHNN khu vực, đi vào hoạt động chính thức từ ngày 1/3/2025.

Đây là một quyết sách táo bạo, đòi hỏi sự thay đổi toàn diện từ cơ cấu, nhân sự đến quy trình nghiệp vụ. Để biến chủ trương lớn này thành hiện thực, Ban Lãnh đạo NHNN đã xác định CNTT chính là khâu đột phá, là xương sống để đảm bảo mọi hoạt động có thể diễn ra ngay lập tức, đồng bộ và an toàn tuyệt đối khi Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới của NHNN chính thức có hiệu lực.

Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm to lớn, NHNN đang quản lý nhiều hệ thống thông tin mang tầm chiến lược, có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia.

Trong đó, phải kể đến những hệ thống hạt nhân như Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, có vai trò quyết toán các giao dịch giá trị cao giữa các ngân hàng, hỗ trợ đắc lực cho việc điều hành chính sách tiền tệ.

Chỉ riêng trong năm 2024, hệ thống này đã xử lý an toàn và chính xác 125 triệu giao dịch với tổng giá trị lên tới 234 triệu tỷ đồng, trung bình mỗi ngày xử lý hơn 830.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là Hệ thống Ngân hàng lõi (Corebanking), một hệ thống đặc thù mà NHNN là cơ quan ngang bộ duy nhất sở hữu, quản lý tập trung tài khoản của các tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước, kết nối trực tiếp với các hệ thống thanh toán quan trọng khác.

Ông Lê Hoàng Chính Quang, Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ông Lê Hoàng Chính Quang, Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngoài ra, không thể không nhắc đến Hệ thống quản lý kho quỹ điều hòa dòng tiền mặt trên cả nước với giá trị giao dịch khoảng 5,4 triệu tỷ đồng mỗi năm, hay Hệ thống báo cáo NHNN thu thập khoảng 2,7 triệu lượt báo cáo hàng năm từ hơn 1.400 đơn vị đã giúp NHNN tạo lập kho dữ liệu tập trung với dung lượng đạt trên 10 TB dữ liệu với gần 32 tỷ dòng dữ liệu.

Với một hạ tầng CNTT trọng yếu và phức tạp như vậy, việc sắp xếp lại bộ máy đặt ra một bài toán khổng lồ: làm thế nào để chuyển đổi dữ liệu, tích hợp hệ thống, thay đổi quy trình của hàng chục hệ thống mà không gây ra bất kỳ sự gián đoạn nào dù chỉ một giây.

Bất kỳ sai sót nào cũng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị thuộc NHNN cũng như các đơn vị bên ngoài như các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, ảnh hưởng lan truyền đến an ninh tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế.

Đối mặt với nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ này, với tinh thần chỉ đạo “vừa chạy vừa xếp hàng” của Tổng Bí thư Tô Lâm, NHNN đã bước vào một chiến dịch thần tốc kéo dài chỉ trong 3 tháng, từ ngày 1/12/2024 đến ngày 1/3/2025.

Ngay sau Hội nghị toàn quốc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 01/12/2024, NHNN đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết, cùng Ban Trù bị thành lập các NHNN khu vực. Cách tiếp cận này thể hiện quyết tâm chính trị cao độ và sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Ban Lãnh đạo NHNN trong toàn bộ quá trình.

Để điều hành chiến dịch, một tổ công tác đặc biệt về CNTT đã được thành lập. Toàn bộ Ban lãnh đạo và các cán bộ kỹ thuật đều tham gia chỉ đạo trực tiếp, thể hiện sự tập trung cao độ nhất.

Đồng thời, NHNN đã huy động tổng lực các nguồn lực cả trong và ngoài ngành. Bên cạnh việc huy động các cán bộ kỹ thuật và nghiệp vụ, NHNN còn chủ động phối hợp chặt chẽ với các đối tác, nhà thầu và các tổ chức tín dụng để huy động chuyên gia phản biện các phương án nghiệp vụ, kỹ thuật, hỗ trợ nhân lực chuyển đổi và cả tài nguyên hạ tầng CNTT. Đây là một minh chứng cho phương châm hợp tác công - tư hiệu quả và tinh thần đoàn kết của toàn ngành.

Quá trình chuẩn bị được thực hiện một cách khoa học và bài bản. Các kịch bản chuyển đổi chi tiết cho từng hệ thống đã được xây dựng, đi kèm với các phương án dự phòng rủi ro và được phân tích kỹ lưỡng trước khi trình Ban chỉ đạo phê duyệt. Để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng và năng lực thực thi của đội ngũ, NHNN đã tổ chức thành công 2 đợt tập huấn nghiệp vụ và kỹ thuật quy mô lớn.

Thông qua hai cuộc “tổng duyệt” này, tất cả các vướng mắc, lỗi tiềm ẩn đã được phát hiện và khắc phục kịp thời, giúp hoàn thiện kịch bản chuyển đổi cuối cùng với khối lượng tài liệu lên đến hàng nghìn trang, sẵn sàng cho mọi tình huống.

Sự cẩn trọng và quyết liệt còn được thể hiện qua việc Đoàn công tác do Phó Thống đốc NHNN chủ trì đã trực tiếp kiểm tra tại các khu vực trọng điểm trong hai ngày 20-21/2/2025 để đánh giá và xử lý các vấn đề phát sinh tại chỗ.

Với sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, ngày 27/2/2025, Thống đốc NHNN đã chính thức phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cuối cùng.

Toàn bộ bộ máy của NHNN đã bước vào những ngày làm việc lịch sử. Với phương châm làm việc “xuyên ngày, xuyên đêm” và tinh thần "ba tại chỗ" - ăn, ngủ, và làm việc ngay tại cơ quan - đội ngũ cán bộ đã thể hiện sự quyết tâm cao nhất.

Trong các ngày từ 28/2 - 2/3/2025, cuộc đại chuyển đổi đã diễn ra theo đúng kế hoạch. Và thành quả đã đến, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 2/3/2025, toàn bộ 14 hệ thống thông tin đã hoàn tất quá trình chuyển đổi, sẵn sàng phục vụ cho ngày làm việc đầu tiên theo mô hình tổ chức mới vào ngày 3/3/2025.

Sáng ngày 3/3/2025, toàn bộ hệ thống thông tin của NHNN đã vận hành bình thường, ổn định và thông suốt. Hạ tầng kết nối đến các NHNN khu vực mới hoạt động ổn định, đảm bảo các giao dịch thanh toán, báo cáo, kho quỹ diễn ra bình thường. NHNN tiếp tục duy trì các đội hỗ trợ để phối hợp với các đơn vị xử lý các vấn đề phát sinh sau chuyển đổi, đảm bảo sự vận hành tốt nhất của bộ máy mới.

Tuy nhiên, hành trình đổi mới vẫn chưa dừng lại. Ngay sau thành công bước đầu, NHNN đã và đang chủ động rà soát, chuẩn bị cho thách thức tiếp theo: sắp xếp lại bộ máy theo tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025.

Việc này đòi hỏi tiếp tục thực hiện chuyển đổi các hệ thống CNTT, bao gồm việc chuyển đổi dữ liệu của các NHNN khu vực và áp dụng bộ mã ngân hàng mới cho các tổ chức tín dụng. Trọng trách đặt ra là phải đảm bảo toàn bộ hệ thống CNTT thích ứng theo mô hình hành chính sửa đổi, song vẫn giữ vững an toàn, liên tục.

Trong tương lai, NHNN tiếp tục rà soát lại kiến trúc liên thông dữ liệu, thiết kế lại kho dữ liệu, mở rộng năng lực Core Banking và thanh toán điện tử liên ngân hàng, đồng thời nghiên cứu, xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất sử dụng trong ngành ngân hàng.

Các bước làm này không chỉ thỏa mãn yêu cầu pháp lý, mà còn mở cánh cửa cho một môi trường dữ liệu mở, giúp NHNN, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp cùng chia sẻ, sử dụng dữ liệu theo tiêu chuẩn chung.

Thành công của chiến dịch chuyển đổi 2025 cho thấy bốn bài học cốt lõi.

Thứ nhất, quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Ban Lãnh đạo NHNN là điều kiện tiên quyết bảo đảm sự thống nhất và tốc độ triển khai.

Thứ hai, phương pháp triển khai khoa học sáng tạo giúp giảm thiểu rủi ro, bảo đảm hệ thống “sống” không gián đoạn.

Thứ ba, huy động hợp lực công – tư chặt chẽ tạo dư địa nguồn lực và kinh nghiệm, nhất là trong giai đoạn cao điểm.

Cuối cùng, dữ liệu tập trung và hạ tầng mở chính là chìa khóa nâng cao năng lực giám sát, điều hành chính sách trong môi trường thị trường biến động nhanh.

Từ góc nhìn Ngân hàng Trung ương, hành trình số hóa không chỉ là câu chuyện kỹ thuật, mà là cuộc cải tổ mạnh mẽ văn hóa điều hành, tư duy quản trị và chuẩn mực an toàn hệ thống, nhằm đáp ứng kỳ vọng phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong kỷ nguyên số.

Bằng việc xây dựng thành công một nền tảng CNTT hiện đại, linh hoạt, NHNN đã đặt nền móng vững chắc cho một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. NHNN sẽ tiếp tục nỗ lực, huy động mọi nguồn lực để các hệ thống công nghệ thông tin luôn hoạt động an toàn, thông suốt, đáp ứng xuất sắc nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh tiền tệ, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và ngành ngân hàng trong kỷ nguyên mới.

Lê Hoàng Chính Quang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục