
Cầu vốn tăng dần
Bức tranh tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng tích cực. Tính đến ngày 19/5, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 16,49 triệu tỷ đồng, tăng 5,59% so với cuối năm 2024 và tăng 18,67% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng vốn đưa ra thị trường từ đầu năm đến 19/5 đạt 873.000 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng tín dụng năm nay 16%, tương ứng 2,5 triệu tỷ đồng, còn khoảng 1,627 triệu tỷ đồng cho 7 tháng.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tín dụng xuống các ngân hàng và mới đây, Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu giao bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng theo thẩm quyền.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết, tổng số dư cho vay khách hàng của các ngân hàng này tăng 4% so với cuối năm trước, trong đó phần lớn đều ghi nhận tăng trưởng.
Xét về số dư tuyệt đối, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tiếp tục dẫn đầu, trong đó BIDV có số dư cho vay khách hàng cao nhất, vượt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm trước. Kế tiếp là VietinBank ghi nhận trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,6%, mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm.
Đối với nhóm ngân hàng cổ phần, MB tiếp tục dẫn đầu với lượng cho vay khách hàng đạt hơn 797.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm trước. VPBank bám sát với tốc độ tăng 5,4% lên gần 730.000 tỷ đồng. Sau đó là Techcombank, ACB, SHB, Sacombank và HDBank. Trong khi đó, về tương đối, Kienlongbank là ngân hàng có mức tăng cao nhất, 10,6%. Nhóm có tăng trưởng cao còn phải kể đến SHB (tăng 9,2%), Eximbank (tăng 9,2%), NCB (tăng 9,6%), PGBank (tăng 9,4%)... Duy chỉ có hai ngân hàng có cho vay khách hàng giảm quý I/2025 là ABBank (-0,7%) và Saigonbank (- 4,3%).
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 2 cho biết, tính đến cuối tháng 5/2025, dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM ước đạt khoảng 4,085 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2024 và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dư nợ tín dụng trên địa bàn vượt con số 4 triệu tỷ đồng và cũng ghi nhận tốc độ tăng cao nhất trong những năm gần đây (4 tháng đầu năm 2024 tăng 1,31%, năm 2023 tăng 1,72%).
Trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với khối ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm 50% tổng dư nợ trên địa bàn. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời lĩnh vực xuất khẩu - một trong ba trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động trước các chính sách thuế quan của Mỹ. Các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đối thoại chính sách và tháo gỡ vướng mắc tiếp tục được duy trì hiệu quả, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh.
Theo ông Lệnh, lãi suất thấp là động lực giúp tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, đồng thời tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư mới, tạo hiệu ứng lan tỏa ra nền kinh tế. Cụ thể, các chương trình tín dụng ngắn hạn bằng VND cho 5 nhóm ngành ưu tiên với lãi suất cho vay không quá 4%/năm đã giúp hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp công nghệ cao… tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, những chương trình tín dụng chính sách, cho vay nhà ở xã hội, giải ngân gói tín dụng lâm sản thủy sản, các gói tín dụng nhà ở cho người dưới 35 tuổi… tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh phát triển, bất động sản hồi phục.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, tín dụng năm nay tăng tốt hơn năm trước và dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều. Với hơn 1,6 triệu tỷ đồng cho vay từ nay đến cuối năm đủ đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 8%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%. Tuy nhiên, vốn tín dụng này hấp thụ được hay không vào những tháng cuối năm còn phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu. Trong khi, các yếu tố bên ngoài đang có thách thức, nhất là đối với chính sách thuế quan.
Cần kiểm soát rủi ro
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, lượng vốn khổng lồ dự kiến bơm vào nền kinh tế sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho tổng cầu. Tuy nhiên, nếu dòng vốn tín dụng không chảy vào sản xuất - kinh doanh, mà đổ vào chứng khoán hay bất động sản kinh doanh thì nguy cơ tăng trưởng ảo và bong bóng tài chính như giai đoạn năm 2016 là rất cao.
TS. Trần Du Lịch
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, yêu cầu về vốn là rất quan trọng. Với đặc thù ở Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp dựa khá lớn vào vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Do vậy, ngay từ đầu năm, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của năm nay.
“Đây là mức cao so với những năm gần đây. NHNN cũng đã thông báo cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm để chủ động. Đến hết quý I/2025, tăng trưởng tín dụng là 3,93% so cuối năm 2024 và tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là mức cao so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ tăng 1,34%)”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm chính là một trong những yếu tố tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tính đến ngày 10/4, lãi suất cho vay bình quân với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024. Đồng thời, các ngân hàng đã công bố thông tin lãi suất cho vay bình quân trên website nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay, lãi suất thấp.
Các nhà băng cũng kỳ vọng tín dụng tăng trưởng tích cực. HDBank là VIB với mức tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 25,2% nhờ vào sự phục hồi của tín dụng bán lẻ. Những cái tên còn lại trong khối ngân hàng tư nhân được dự báo có tăng trưởng tín dụng cao gồm VPBank (24,1%), Techcombank (20,5%) và ACB (18%)... Còn nhóm ngân hàng quốc doanh, mức tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức khoảng 14-15%. Trong khi đó, Eximbank, Sacombank, TPBank có mức tăng trưởng tín dụng tương đương hoặc nhỉnh hơn so với mức tăng trưởng tín dụng ngành đề ra 16%.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương), nếu giữ được tăng trưởng xuất khẩu 8 - 10%, củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế, thì tín dụng sẽ tăng mạnh. Ngược lại, còn nhiều rủi ro từ bên ngoài sẽ làm giảm tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tăng trưởng tín dụng cao hơn con số 16% sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát vượt mức 4,5% như đề ra. Chưa kể, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh, dòng vốn có thể chảy vào những lĩnh vực như chứng khoán, vàng, bất động sản và tạo ra bong bóng, vì thế cần kiểm soát rủi ro.
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính - kinh tế cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, lượng vốn khổng lồ dự kiến bơm vào nền kinh tế sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho tổng cầu. Tuy nhiên, nếu dòng vốn tín dụng không chảy vào sản xuất - kinh doanh, mà đổ vào chứng khoán hay bất động sản kinh doanh thì nguy cơ tăng trưởng ảo và bong bóng tài chính như giai đoạn năm 2016 là rất cao.